Multimedia Đọc Báo in

Chuyến tác nghiệp "nhớ đời"!

15:48, 25/06/2019

Trong hàng trăm lần công tác về các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh, đến giờ bản thân tôi vẫn còn nhớ như in chuyến tác nghiệp tại thôn Ea Chai, xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) vào năm 2009. Đến nay - tròn 10 năm từ chuyến đi ấy.

Cách đây 10 năm, thôn 6 xã Bình Hòa (thường gọi thôn Ea Chai) được ví như một “ốc đảo” cô lập với trung tâm xã, huyện. Thời điểm đó, để đến được Ea Chai chỉ có 2 lựa chọn: một là đi đò ngang, hai là đi vòng qua cầu phao. Mùa khô, việc đi lại còn dễ dàng, vào mùa mưa thì đường vào thôn Ea Chai trở thành nỗi ám ảnh với những ai muốn đến.
Con đường nội thôn Ea Chai được bê tông sạch sẽ.
Con đường nội thôn Ea Chai được bê tông sạch sẽ.

Giữa năm 2009, từ thông tin của một người dân địa phương, tôi tiếp cận đề tài về tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, hoạt động sản xuất của nhiều hộ dân ở khu vực này. Vào “ốc đảo” đúng thời điểm mùa mưa nên tôi phải nhờ chị Nguyễn Thị Mau – chuyên viên Hội Phụ nữ xã Bình Hòa chở đi. 

Từ trung tâm xã đến thôn Ea Chai chỉ tầm 3 cây số, nhưng hai chị em phải “vật lộn” trên chiếc xe Win mất ròng một buổi. Đường đi Ea Chai lúc đó chỉ là những con đường nội đồng, mùa mưa đến bùn lầy, trơn trượt và chỉ có xe Win mới có thể di chuyển được, thậm chí phải quấn thêm xích vào lốp xe để tránh trơn trượt. Vì thế, hầu hết các hộ dân sống và có đất canh tác ở Ea Chai đều phải sắm một chiếc xe Win để đi lại vào mùa mưa. Được chở sau xe, lâu lâu tôi lại giật bắn người vì xe bị trượt. Ở những chỗ sình lầy, đường hẹp cả hai chị em phải xuống xe đẩy bộ. 

Trên đoạn đường đó, tôi được nghe chị kể những câu chuyện, những trải lòng về sự khó khăn, thiếu thốn của người dân nơi đây. Trước hết, đó là đường đi, mùa mưa đến, “ốc đảo” Ea Chai luôn ở trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Mọi người dân sinh sống tại đây luôn phải thủ sẵn thức ăn dự trữ như cá khô, mì tôm, trứng… để đề phòng mưa đến bất ngờ, chia cắt mọi đường đi. Chỉ cần mưa kéo dài 3 ngày liên tục, đồng nghĩa cả 10 ngày tiếp theo người dân trong thôn không thể di chuyển ra ngoài.

Càng vào đến khu dân cư càng thấy sự cách biệt giữa Ea Chai với trung tâm xã. Những ngôi nhà được xây tạm ở các vị trí cao nhất của rẫy để phòng ngập khi mưa đến, trẻ con tụm ba tụm bảy vì không đến lớp được do đường ngập… Càng tiến gần hơn, tôi chứng kiến nhiều ngôi nhà, ruộng vườn có nguy cơ bị dòng Krông Ana nuốt chửng vì tình trạng khai thác cát trái phép. Khi thấy ống kính quay về hướng vòi rồng, những chiếc thuyền chở cát bỗng dưng khững lại, bất động trên sông. Lúc đó, chị Mau và nhiều người dân “được lời như cởi tấm lòng”, bày tỏ hết mọi bức xúc. Theo câu chuyện của họ, tôi biết được tình trạng khai thác cát diễn ra trong thời gian dài, bất kể ngày hay đêm, chỉ khi nào có đoàn kiểm tra thì may ra các máy hút cát mới tạm ngưng hoạt động. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, một lượng khoáng sản từ lòng sông Krông Ana đoạn qua thôn Ea Chai bị hút, khoét sâu tận nhà, chân ruộng… Hậu quả là những hộ dân sinh sống, canh tác dọc bờ sông luôn trong tình trạng nơm nớp lo âu.

Cũng trong chuyến đi ấy, tôi được nghe về câu chuyện những đứa trẻ bỏ học mà nguyên nhân chính do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con cái. Ở đây, vào thời điểm đó có 3 cái "nhất" mà không địa phương nào muốn có, đó là thôn có tình trạng sinh con thứ 3, tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất xã Bình Hòa…

Cầu treo Ea Chai đưa vào sử dụng chấm dứt tình trạng
Cầu treo Ea Chai đưa vào sử dụng chấm dứt tình trạng "qua sông lụy đò" của người dân nơi đây.

Những câu chuyện đó đều được tôi ghi chép tỉ mẩn, vấn đề nóng tôi làm trước, cái gì chưa vội thì để dành cho chuyến tác nghiệp sau tìm hiểu sâu hơn. Đến nay, bản thân đã có hàng chục bài viết về vùng đất Ea Chai đầy gian khó. Nay – sau 10 năm trở lại, vùng đất Ea Chai đã thay đổi rất nhiều. Chiếc cầu phao phập phồng luôn có nguy cơ mất an toàn giao thông hiện đang được Nhà nước xây dựng bằng một cây cầu kiên cố; bến đò ngang đã được thay thế bằng cầu treo gần 3 năm nay; những hộ dân hằng năm sống chung với lũ tiểu mãn cũng được bố trí đất và hỗ trợ xây nhà tái định cư để yên tâm sinh sống, sản xuất; tình trạng học sinh phải nghỉ học do không có đường đi nay đã chấm dứt… Theo như chia sẻ của ông Hồ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, thôn Ea Chai ngày càng thay đổi, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo của thôn chỉ còn khoảng 10%. Hiện nay, khu vực này là cánh đồng canh tác lúa nước nhiều tiềm năng – đây sẽ là cơ hội thoát nghèo, làm giàu của người dân sở tại trong những năm tới.

Phạm Hoàng


Ý kiến bạn đọc