Đuối nước ở trẻ em: S.O.S! (Kỳ 2)
Kỳ 2: Nâng cao kỹ năng bơi lội cho trẻ em: Đừng dừng lại ở khẩu hiệu
Hiện nay, việc phòng chống đuối nước đang được xem là một trong những nhiệm vụ cấp bách, cần thiết nhất. Để làm được điều này, trẻ em cần được trang bị những kiến thức về đuối nước và nâng cao kỹ năng bơi lội an toàn.
Khó phổ cập bơi vì thiếu hồ bơi
Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, Đắk Lắk nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có tỷ suất tai nạn thương tích cao nhất cả nước. Không những thế, tỉnh ta còn là địa phương có nhiều ao hồ, sông suối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đuối nước ở trẻ em. Do đó, việc phổ cập bơi và các kỹ năng phòng chống đuối nước là một vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, để thực hiện được nội dung này vẫn là một “bài toán khó”, bởi hiện nay từ trường học đến các địa phương trong tỉnh đều ở trong tình trạng thiếu hồ bơi.
Không phải đến bây giờ vấn đề phòng chống đuối nước trong học đường mới được ngành giáo dục - đào tạo đề cập đến mà trước đó, trong kế hoạch triển khai thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã nhắc đến vấn đề này với những mục tiêu rất cụ thể là đến năm 2020: 100% các trường học có bể bơi, hồ bơi; 70% số học sinh trở lên được hướng dẫn và biết kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, nhất là do đuối nước, tai nạn giao thông; tăng dần tỷ lệ học sinh tiểu học và học sinh THCS biết bơi, có kỹ năng tự cứu đuối.
Song trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, với những khó khăn về cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu nguồn kinh phí xây dựng, duy trì, bảo trì bể bơi, thiếu nhân lực... đã dẫn đến việc dạy bơi trong trường học vẫn dừng lại ở việc thí điểm tại một số trường, chủ yếu là các trường ngoài công lập. Điều này giải thích vì sao tỷ lệ trẻ em, học sinh biết bơi không cao và nhiều nạn nhân trong các vụ đuối nước hằng năm trên địa bàn đều ở độ tuổi học sinh.
Trường Tiểu học - THCS - THPT Hoàng Việt là một trong số ít trường tại TP. Buôn Ma Thuột có hồ bơi và dạy bơi cho học sinh. |
Trong khi đó, không ít phụ huynh và học sinh tỉnh nhà đều mong muốn đưa bơi lội trở thành một môn học trong nhà trường. Anh Lê Quang Trung, ở thôn 3, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột bộc bạch: “Nhà tôi có 2 cháu đang học bậc THCS, cả 2 đều chưa biết bơi. Mới đây, trên địa bàn thôn xảy ra trường hợp một trẻ bị đuối nước do chưa biết bơi, tôi cũng thấy lo và muốn cho con học bơi để phòng thân. Thế nhưng, khu vực gần nhà hiện không có hồ bơi nào cho các cháu đến học, mà nhà trường cũng chưa có hồ bơi và không dạy bơi cho học sinh nên tôi cũng chưa biết cho con mình học bơi bằng cách nào nữa. Ở những khu vực ven đô như chúng tôi, giá như nhà trường tổ chức dạy bơi cho các cháu thì tốt biết mấy”.
Địa phương thiếu kinh phí làm hồ bơi công cộng
Tháng 5 vừa qua, huyện Ea Kar là địa phương duy nhất của tỉnh được Quỹ từ thiện Bloomberg (Hoa Kỳ) hỗ trợ triển khai các chương trình can thiệp phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Dự án được thực hiện tại 8 xã (gồm: Cư Ni, Ea Sô, Cư Huê, Ea Kmút, Cư Bông, Ea Đar, Cư Prông, Ea Păl) với mục tiêu trang bị kiến thức an toàn trong môi trường nước cho khoảng 1.000 trẻ em trong nhóm tuổi tiểu học và THCS; trong năm 2019 có ít nhất 700 trẻ em từ 6 đến dưới 15 tuổi được học bơi an toàn; các xã có bể bơi hoặc cơ sở dạy bơi đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Dự án; 100% giáo viên thể dục, hướng dẫn viên dạy bơi cho trẻ được tập huấn nâng cao năng lực dạy bơi…
Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ea Kar cho rằng: “Sự hỗ trợ này đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc hiện thực hóa các mục tiêu về phòng chống đuối nước. Bởi trên địa bàn huyện Ea Kar hiện có rất nhiều hồ, đập, mương máng nên nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước rất cao. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã xảy ra 4 vụ tai nạn đuối nước dẫn đến tử vong”.
Việc xây dựng hồ bơi công cộng tại địa bàn nông thôn như ở Ea Kar đã đáp ứng được phần nào nhu cầu học bơi của các em nhỏ ngay trong dịp hè này. Em Nguyễn Như Ý, 13 tuổi, ở thôn 10, xã Cư Ni, huyện Ea Kar chia sẻ: “Hiện tại con chưa biết bơi, nhưng mùa hè này con sẽ được tham gia lớp học bơi miễn phí do xã tổ chức. Đây là điều mà con mong ước từ rất lâu rồi, bởi khi biết bơi không những có thể rèn luyện sức khỏe mà con sẽ phòng tránh được tai nạn đuối nước cho bản thân mình và các bạn”.
Trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh là việc làm cấp thiết, nhưng không phải địa phương nào cũng nhận được hỗ trợ như 8 xã nói trên của huyện Ea Kar để triển khai mà phải “tự thân vận động”. Chính vì thế, khái niệm hồ bơi công cộng trở thành điều “xa xỉ” với hầu hết các xã, phường, nhất là các xã vùng sâu vùng xa khi không có kinh phí cho hoạt động này. Đơn cử như Hòa Phú – xã vùng ven của TP. Buôn Ma Thuột, nơi vừa có một trẻ tử vong do đuối nước cuối tháng 3 vừa qua, dù chính quyền địa phương rất muốn đầu tư xây dựng hồ bơi công cộng làm nơi vui chơi, học bơi cho trẻ em, tránh tình trạng trẻ tắm ao, hồ, sông, suối trên địa bàn gây nguy cơ đuối nước, nhưng “lực bất tòng tâm”.
Bà Nguyễn Ngọc Đông Quỳnh, cán bộ phụ trách văn hóa – xã hội của xã cho biết: “Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn đuối nước, thời gian qua, xã đã cho cắm các biển cảnh báo tại các ao, hồ, sông, suối, nhất là những ao hồ sâu, nguy hiểm. Đồng thời, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tham gia giám sát trẻ, phòng tránh nguy cơ đuối nước. Còn việc xây dựng hồ bơi công cộng, dẫu biết đó là vấn đề cấp thiết, đáp ứng mong mỏi của rất nhiều học sinh và phụ huynh, nhưng nếu không kêu gọi được xã hội hóa, địa phương khó mà thực hiện vì không có kinh phí”.
Rõ ràng, để phòng chống đuối nước ở trẻ em, việc đầu tiên, quan trọng nhất là đẩy mạnh dạy bơi cho trẻ, đưa các khóa huấn luyện bơi vào học đường và kêu gọi cộng đồng giám sát trẻ tốt hơn. Đó là những giải pháp phòng chống đuối nước hiệu quả mà các cấp, ngành, địa phương cần hiện thực hóa chứ không chỉ dừng lại ở các văn bản chỉ đạo và khẩu hiệu.
Năm 2017, thông qua Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Quỹ từ thiện Bloomberg (Hoa Kỳ) đã quyết định hỗ trợ 2,4 triệu USD để triển khai chương trình phòng chống đuối nước tại 8 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Đây là các địa phương thuộc các vùng bị chia cắt nhiều do sông ngòi, tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến nguy cơ đuối nước cao. |
(Còn nữa)
Kim Oanh
[links()]
Ý kiến bạn đọc