Đuối nước ở trẻ em: S.O.S! (Kỳ cuối)
[links(left)]
Kỳ cuối: Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ đuối nước: Trách nhiệm của cả cộng đồng
Phòng chống đuối nước trẻ em không chỉ đơn thuần đưa ra những thông điệp cảnh báo hiểm nguy, mà cần phải tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh cho nhu cầu bơi lội của trẻ. Đây không phải là trách nhiệm của riêng một gia đình hay một cơ quan, đoàn thể mà cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội.
Giải pháp nhiều, hiệu quả chưa cao
Để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị đuối nước, thời gian qua, với vai trò là cơ quan điều phối công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp: đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước cả gián tiếp và trực tiếp; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các hội, đoàn thể tăng cường công tác phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em; đầu tư kinh phí xây dựng 20 mô hình cấp tỉnh "Xây dựng ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ", từ đó cấp huyện, xã tiếp tục duy trì và nhân rộng; cùng với các sở, ngành hữu quan ký kết kế hoạch phối hợp liên ngành phòng chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2020; chú trọng dạy bơi, hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.
Trong năm 2018, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức lớp học bơi miễn phí cho 40 trẻ em tại thị xã Buôn Hồ, Sở Giáo dục và Đào tạo dạy bơi miễn phí cho 1.000 học sinh. Hiện tại Sở cũng đang triển khai Dự án phòng chống đuối nước trẻ em tại 8 xã của huyện Ea Kar với dự kiến kết quả đầu ra là khoảng 1.200 trẻ em biết bơi.
Hồ bơi nhân tạo - địa điểm học bơi an toàn đang là ước mơ của không ít trẻ em nông thôn. |
Mặc dù các giải pháp can thiệp phòng chống đuối nước đã được triển khai trên địa bàn tỉnh, song phải nhìn nhận tính hiệu quả chưa cao, bởi trên thực tế, số vụ tai nạn đuối nước chưa hề giảm, thậm chí năm sau còn cao hơn năm trước. Không những thế, số trẻ được dạy bơi, cung cấp kỹ năng phòng chống đuối nước trong thời gian qua chỉ là một con số rất nhỏ so với tổng số trẻ em trên địa bàn (theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, mới chiếm tỷ lệ khoảng 26,1%). Điều này cho thấy sự thiếu đồng bộ trong việc trang bị kiến thức về phòng chống đuối nước cho trẻ em giữa các ngành chức năng.
Cần cộng đồng trách nhiệm
Bà Lại Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: “Để hạn chế tình trạng đuối nước cho trẻ em cần tiến hành song song nhiều giải pháp, trong đó đề cao sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, bởi như chúng ta đã biết, thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên đều có những mục tiêu hướng tới là trẻ em, giảm tình trạng đuối nước cho trẻ em, nhưng mỗi ngành lại có chức năng nhiệm vụ riêng, nguồn lực riêng. Nếu chúng ta tổng hợp, tổng hòa được các chức năng, nguồn lực ấy lại với nhau thì sẽ nâng cao hơn hiệu quả về phòng chống đuối nước cho trẻ em và thậm chí còn tiết kiệm được cả về mặt chi phí”.
Cuối tháng 5 vừa qua, Cuộc vận động "Toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước” đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát động nhằm thay đổi nhận thức của người lớn và cộng đồng, từ đó tạo nên tác động tích cực lên các em nhỏ về việc phòng, chống đuối nước. |
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cho ra mắt ấn phẩm tiếng Việt “Hướng dẫn toàn cầu thực hiện phòng, chống đuối nước” cung cấp các biện pháp hiệu quả mang tính khả thi tại nhiều cấp, từ việc xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến việc chăm sóc, giám sát trẻ em hằng ngày. Đồng thời, ấn phẩm này cũng nhắc nhở công tác phòng, chống đuối nước là trách nhiệm của tất cả mọi người và cơ chế đa ngành đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề này.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao kinh phí hỗ trợ huyện Ea Kar triển khai Dự án phòng chống đuối nước cho trẻ em. |
Rõ ràng, tai nạn đuối nước ở trẻ em đang là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Dù ở thời điểm nào, dù bằng cách này hay cách khác thì để xây dựng thành công môi trường an toàn, lành mạnh, thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em luôn cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, cộng đồng và cả gia đình.
Bà Lại Thị Loan nhấn mạnh: “Muốn giảm thiểu tình trạng trẻ em bị đuối nước, ngoài các biện pháp của ngành chức năng, trường học, vấn đề mấu chốt là chính các gia đình phải tạo môi trường an toàn cho trẻ. Hơn ai hết, cha mẹ luôn là tấm giáp bảo vệ con trẻ, phải thường xuyên giám sát, chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi chơi đùa, tắm sông suối, ao hồ; trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những khu vực có mặt nước hở để nâng cao tính cảnh giác. Đồng thời tạo điều kiện để trẻ em học bơi nâng cao sức khỏe và ứng phó với tai nạn đuối nước”.
Cùng với việc tăng cường vai trò của gia đình, bà Lại Thị Loan cũng cho rằng phía chính quyền địa phương cần rà soát, thiết lập các biện pháp an toàn (cắm biển báo, rào chắn) tại sông ngòi, đập, thác nước, ao hồ nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn đuối nước để trẻ em, học sinh biết; giúp cho trẻ em có những kiến thức cơ bản về nguy cơ đuối nước, tầm quan trọng của việc học bơi, cách thức xử lý khi bị đuối nước và cả kỹ năng cứu người đuối nước. Đặc biệt là cần tổ chức các hoạt động hè với nhiều nội dung sinh hoạt đa dạng, phong phú, tạo các điểm vui chơi để các em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc