Multimedia Đọc Báo in

Nắm tay nhau đi suốt cuộc đời

08:56, 28/06/2019

Trong khi con số thống kê về các vụ ly hôn ngày càng tăng ở những cặp vợ chồng trẻ khiến nhiều người hoài nghi về mối quan hệ tình cảm lâu dài trong hôn nhân, thì câu chuyện của những đôi vợ chồng đã nắm tay nhau đi suốt cuộc đời chính là minh chứng cho tình yêu đến khi “đầu bạc răng long”.

Nghỉ hưu được thời gian ngắn thì cụ Đinh Văn Ruyến (ở thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) được bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi địa phương. Năm nay đã 84 tuổi đời, người đảng viên 64 tuổi Đảng ấy vẫn luôn gương mẫu, tiên phong trong các hoạt động xã hội. Con cái trưởng thành ra ở riêng hết, ngôi nhà đông đúc khi xưa nay chỉ còn lại hai ông bà tự chăm sóc cho nhau. Ông bà đều cho rằng khi sức khỏe vẫn còn tốt, con cháu còn đi học, đi làm thì ông bà ở riêng cho tự do thoải mái. Hằng ngày ông bà vẫn làm vườn, nuôi gà thả cá, mỗi tháng có thêm từ 2 - 3 triệu đồng nên cũng có đồng vào đồng ra, đủ cho cuộc sống ổn định khi tuổi đã xế chiều. Hơn 60 năm chung sống nhưng ông bà vẫn tình cảm mặn nồng.

Chị Đinh Thị Thanh Xuân, con gái cụ Ruyến kể: “Bố mẹ tôi có cả dâu rể cháu chắt là 16 người. Quyết định không ở chung với con cháu vì ông bà muốn tự chăm sóc nhau trong điều kiện sức khỏe cho phép. Hằng ngày anh em chúng tôi đều thay nhau về thăm cha mẹ. Tôi thật sự ngưỡng mộ cha mẹ mình về tình cảm ông bà dành cho nhau vì ông bà chẳng bao giờ cãi vã, luôn dành cho nhau sự quan tâm, chăm sóc ân cần”.

Dù tuổi cao nhưng vợ chồng Ngô Tất Thắng (xã Băng Ađrênh, huyện Krông Ana) vẫn chăm chỉ lao động sản xuất.
Dù tuổi cao nhưng vợ chồng Ngô Tất Thắng (xã Băng Ađrênh, huyện Krông Ana) vẫn chăm chỉ lao động sản xuất.

Ở xã Băng Ađrênh (huyện Krông Ana) có vợ chồng ông Ngô Tất Thắng cũng nổi tiếng là đôi vợ chồng già luôn yêu thương, chăm sóc nhau. Con cái đến tuổi trưởng thành đều đi làm ăn xa, định cư ở các thành phố lớn, chỉ về thăm quê vào các dịp nghỉ lễ, vì vậy ông bà tự chăm sóc nhau, động viên nhau giữ gìn sức khỏe, làm kinh tế, duy trì mái ấm để con cái có nơi chốn đi về. Năm 2010 ông Thắng đã chuyển  2,6 ha cà phê kém chất lượng sang trồng 6 sào cam và ổi, cho năng suất cao. Ông còn tích cực tham gia công tác xã hội và đã 2 lần được Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chọn đi dự Đại hội biểu dương “Tuổi cao gương sáng” do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức.

Sống trọn vẹn trong hiện tại và không lo lắng về tương lai là suy nghĩ lạc quan của vợ chồng cụ Ae Hin và Atul Hlin ở buôn Priêng B, xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc). Vì sức khỏe vẫn tốt và có thể tự chăm sóc được cho mình nên hiện tại hai cụ vẫn sống với nhau trong ngôi nhà được xây nên từ thuở “tóc hãy còn xanh”. Cháu gái của hai cụ là chị H’Lin (25 tuổi) thường ngày vẫn đến chăm sóc ông bà.

Mỗi sớm, khi ánh bình minh đầu tiên của ngày mới rọi xuống ngôi nhà thân thuộc là “cặp tình nhân” Ae Hin và Atul Hlin lại cùng nhau làm các công việc thường ngày của mình. Cụ ông giúp cụ bà hái rau rồi cùng nhau chuẩn bị bữa trưa, câu chuyện lúc nào cũng rôm rả, đầy tiếng cười. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của cuộc đời, hai cụ luôn răn dạy con cháu mình điều quan trọng nhất trong cuộc đời là sống thật tốt, biết quan tâm giúp đỡ người khác. Với hai cụ, tình nghĩa vợ chồng là điều quan trọng nhất để duy trì mái ấm gia đình. Vợ chồng gắn bó với nhau không chỉ là sự ràng buộc luật pháp, luật tục hay con cái mà phải là tình cảm bền chặt thì mới có một gia đình yên ấm, hạnh phúc.

Với tâm niệm “Yêu được nhau đã khó, đến với nhau, cùng đắp xây hạnh phúc trăm năm là duyên nợ cuộc đời”, năm nay đã 80 tuổi đời, cụ Tô Bá Hương, nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) luôn dành cho người bạn đời của mình những tình cảm yên thương, trân trọng nhất. Cụ Hương bảo: “Người ta nói tình yêu không có tuổi, đạo nghĩa vợ chồng cũng vậy. Đi với nhau tới cuối cuộc đời là điều không dễ dàng, vì thế hạnh phúc bên người bạn đời tri kỷ là thứ không lấy gì đánh đổi được”. Thường ngày cụ Hương vẫn vào bếp tự tay mình chuẩn bị bữa ăn cho vợ mình. Dù đều đã ngoài 80 tuổi nhưng hai cụ vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và luôn yêu thương gia đình hết mực.

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.