Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo bể bơi ngày hè

09:39, 25/06/2019

Bể bơi không chỉ để trẻ tập kỹ năng bơi lội mà còn là nơi thư giãn để xua đi cái nóng bức ngày hè. Tuy nhiên, vì nhu cầu bơi tăng cao và ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân quá kém dẫn đến nhiều bất cập trong khâu vệ sinh ở các bể bơi.

Chị Đặng Thị Lan (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, thỉnh thoảng những khi trời oi bức chị hay cho các con đến bơi tại những bể bơi công cộng. Đứa con trai 3 tuổi nhà chị có lần đi bơi về bị nổi ngứa phải đến khám bác sĩ da liễu. Chị Lan chia sẻ, dù biết đi bơi ở những nơi công cộng rất dễ lây các bệnh truyền nhiễm vì nhiều người coi bể bơi là nơi gột rửa bụi bẩn, nước ở bể bơi lại xử lý nhiều hóa chất và không được thay thường xuyên, nhưng trời nóng bức quá các con cứ đòi đi nên chị đành chiều theo.

Còn anh Nguyễn Văn Chuẩn (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) thì than vãn, không cần phải kiểm tra gì nhiều, cứ đến các bể bơi lúc đông đúc là đã thấy mùi Clo nồng lên rồi. Nhưng những ngày hè nóng nực thế này, đi bơi vừa giải trí vừa đỡ nóng, còn ảnh hưởng thế nào thì tính sau.

Trên thực tế, do lượng khách bơi dịp hè quá đông nên việc đảm bảo vệ sinh nguồn nước trong bể bơi là điều rất khó. Để giải quyết vấn đề này, các bể bơi đã nhờ sự can thiệp của hóa chất, việc thay nước theo quy định, tiêu chuẩn hầu như không bể bơi công cộng nào làm được bởi thay một bể với hàng trăm mét khối nước không phải là chuyện đơn giản. Mặt khác, theo tiêu chuẩn, diện tích đảm bảo của bể bơi công cộng phải đạt 3 m²/người thì gần như toàn bộ các bể bơi ở TP. Buôn Ma Thuột hiện không đáp ứng đúng quy định, nhất là vào những ngày nắng nóng, nhiều bể bơi với diện tích chỉ 200 m² nhưng luôn có tới hàng trăm người cùng tắm.

Ông Phạm Lê Trần Đạt, Chủ bể bơi Thành Đạt ở đường Y Wang cho biết, ông có 2 bể bơi, 1 bể 300 m2 và 1 bể 60 m2, phục vụ tối đa 600 khách bơi/ngày. Khoảng 1 tháng nay, vào tầm từ 16 giờ đến 18 giờ các ngày trong tuần, bể bơi luôn chật cứng người, chủ yếu là thanh thiếu nhi nên ông phải thay nước thường xuyên hơn. Thay vì mỗi tuần thay 1 lần thì nay 2 - 3 ngày phải thay 1 lần. Nguồn nước được lấy từ giếng khoan rồi xử lý qua máy lọc (có chất Clo) và được đưa đi kiểm định mỗi năm 1 lần.

Hồ bơi Thành Đạt liên tục có người bơi.
Hồ bơi Thành Đạt liên tục có người bơi.

Theo khảo sát, hầu hết các bể bơi trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đều đưa mẫu nước đi kiểm định mỗi năm một lần và được ngành Y tế cấp chứng nhận. Trong khi đó, theo Thông tư số 14/2014/TT-BVHTTDL, ngày 10-11-2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2011/TT-BVHTTDL, ngày 10-01-2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn, tại Điểm c Khoản 7 Điều 4 quy định nước bể bơi phải đáp ứng được 14 chỉ tiêu chất lượng nước, trong đó có 10 chỉ tiêu thuộc mức độ A phải xét nghiệm ít nhất 1 lần/tháng do cơ sở thể thao thực hiện… Bên cạnh đó, diện tích bể bơi, mật độ người bơi và quy trình xử lý nguồn nước tại bể bơi hằng ngày và những dịp cao điểm cũng không có cơ quan nào kiểm tra, quản lý.

Theo số liệu từ Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Buôn Ma Thuột, hiện trên địa bàn có 18 bể bơi. Vào giữa tháng 5 vừa qua, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của thành phố thành lập Đội Kiểm tra liên ngành Trật tự Văn hóa – Xã hội thành phố để kiểm tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ bơi, lặn trong dịp hè 2019. Tuy nhiên nội dung kiểm tra chỉ bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị môn bơi lặn và các thủ tục hành chính như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện môn bơi, lặn; Giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn cho nhân viên cứu hộ môn bơi, lặn; Giấy kiểm định chất lượng nguồn nước... chứ không kiểm tra xem nước bể bơi có đáp ứng được 14 chỉ tiêu chất lượng  và xét nghiệm đúng số lần quy định không.

Đội Kiểm tra liên ngành Trật tự Văn hóa – xã hội thành phố kiểm tra tại các hồ bơi trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột.
Đội Kiểm tra liên ngành Trật tự Văn hóa – xã hội thành phố kiểm tra tại các hồ bơi trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột.

Bác sĩ Bế Thụy Thùy Nhiên, Phó Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho hay, loại hóa chất thường được dùng để xử lý nguồn nước cho bể bơi là Clo để diệt rêu và chất bẩn. Nhưng nếu sử dụng loại hóa chất này vượt quá quy chuẩn cho phép (quá 0,5 mg/l) có thể gây ra một số tác dụng phụ như da khô, rụng tóc và có thể viêm nhiễm đường hô hấp… Bên cạnh đó, việc xây dựng bể bơi ở nước ta hiện vẫn phụ thuộc vào diện tích khu đất mà chủ đầu tư có chứ không tuân theo chuẩn mực quy định diện tích cụ thể.

Tình trạng mất an toàn về vệ sinh tại các bể bơi luôn là nguy cơ tiểm ẩn dẫn đến một số bệnh da liễu. Và thực tế là sau một thời gian đi bơi, nhiều người đã phải tìm đến các phòng khám, bác sĩ da liễu. Tuy nhiên vấn đề này không chỉ xuất phát từ nguyên nhân là khâu xử lý nguồn nước mà còn nằm ở ý thức của người đi bơi. Trong khi hầu hết các bể bơi hiện nay đều xây dựng phòng tắm tráng, bồn nhúng chân… nhưng người đến bơi rất ít khi làm đúng quy trình. Nhiều người đi làm, đi chơi về mồ hôi nhễ nhại, người dơ bẩn cũng nhảy xuống hồ tắm thì sẽ làm cho hồ bơi trở nên mất vệ sinh…

Để có được những bể bơi đảm bảo an toàn, ngoài việc các cơ quan chức năng siết chặt khâu kiểm tra, giám sát các chủ hồ bơi thực hiện theo đúng quy định thì thiết nghĩ trước hết người dân cần có ý thức trong việc tuân thủ đúng quy trình khi tham gia bơi lội, tắm mát ở những hồ bơi công cộng. Đừng để một môn thể thao, một hình thức giải trí lý tưởng trong mùa hè của nhiều người phải trở thành nỗi ám ảnh vì sự mất vệ sinh nơi hồ bơi.

Lê Lan


Ý kiến bạn đọc