Ô nhiễm tiếng ồn: Cần mạnh tay xử lý (Kỳ 1)
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại các đô thị nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân.
Kỳ 1: Khổ sở vì tiếng ồn
Những tiếng ồn từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hay từ các phương tiện giao thông… tạo thành một “mớ” âm thanh hỗn độn bất kể thời gian, đã và đang trở thành nỗi “khiếp sợ” của không ít người dân.
“Khổ” vì hàng xóm!
Nhiều năm nay, bà Đ.T.B.Y (đường Trần Khánh Dư, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng phản ánh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn phát ra từ căn nhà sát bên. Bà Y. kể, nhà bên cho thuê địa điểm kinh doanh, người thuê chủ yếu là làm dịch vụ giải trí khiến bà luôn bị "tra tấn" bởi tiếng ồn. Ngoài bị làm khổ bởi tiếng nhạc, bà còn chịu thêm cảnh khách say xỉn, la hét suốt ngày. Bản thân bà Y. mắc bệnh tim hở 3 lá, huyết áp, khớp... tiếng nhạc phát ra quá lớn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bà. Bà đã nhiều lần sang nhắc nhở nhưng không được nên đành cầu cứu chính quyền địa phương. Còn gia đình anh P.V.S (đường Trần Quý Cáp, phường Ea Tam) không ở gần quán sá nhưng lại sát vách nhà hàng xóm hay mở karaoke hát đến nửa đêm khiến việc nghỉ ngơi, học hành của anh và các con bị ảnh hưởng không nhỏ.
Một nhóm người sử dụng thùng karaoke di động ngồi ăn uống, hát hò trên vỉa hè đường phố Buôn Ma Thuột. |
Không chỉ nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí trên địa bàn “làm lơ” với tiếng ồn mà trên thực tế nhiều người dân cũng rất thiếu ý thức trong việc “phát tán” tiếng ồn. Chẳng hạn như những trường hợp các gia đình hát karaoke tại nhà nhưng mở quá lớn, hát quá khuya gây ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh hay những trường hợp hát karaoke dạo, loa di động ở những nơi cộng cộng... Ngoài ra việc bấm còi inh ỏi, không tuân thủ giờ giấc quy định cũng là một trong những hành vi thiếu ý thức của một số người tham gia giao thông, khiến tình trạng "ô nhiễm" tiếng ồn thêm nghiêm trọng…
Bà V.T.H (ở đường Lê Duẩn, phường Ea Tam) than thở: "Đường này xe lưu thông đông đúc, riêng tiếng máy nổ đã ồn ào lắm rồi. Ớn nhất là những chiếc xe độ rồ ga hoặc người điều khiển xe bấm còi inh ỏi khiến độ ồn tăng gấp bội. Nhà tôi có ba mẹ già bệnh tật mà không thể ngủ yên được dù đêm hay ngày”.
“Sát thủ thầm lặng”
Trên thực tế, mỗi ngày người dân trong thành phố đang phải chịu hàng chục loại tiếng ồn ở khắp mọi nơi, từ công sở, các cửa hàng, công trình xây dựng, khi tham gia giao thông trên đường và ngay cả tại nhà riêng… Những bức xúc này nhiều người dân không biết kêu ai, trong khi một số trường hợp được phản ánh đến các cơ quan chức năng nhưng “đâu vẫn hoàn đó”.
"Tiếng ồn vượt quy chuẩn có thể làm giảm thính lực, gây rối loạn giấc ngủ, đau đầu, ù tai; tăng nguy cơ bị cao huyết áp, đột quỵ và bệnh tim mạch vành…".
Thạc sĩ Mai Quang Sơn - Trưởng Bộ môn Tâm lý học, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk
|
Theo nhiều nghiên cứu, ô nhiễm tiếng ồn chính là “sát thủ thầm lặng” của sức khỏe con người. Những người dân sống trong khu vực có tiếng ồn quá lớn thường hay mất ngủ, dễ bị căng thẳng, mệt mỏi sinh ra bệnh tật. Nghiêm trọng hơn, nếu sống ở khu vực có tiếng ồn trong thời gian quá lâu có thể dẫn đến suy tim, ảnh hưởng tính mạng. Người đang điều trị bệnh mà sống nơi ồn ào, ô nhiễm thì quá trình hồi phục sẽ chậm hơn, thậm chí không bình phục. Tiếng ồn là nguyên nhân gây ảnh hưởng sức khỏe lớn thứ hai sau khói bụi.
Thạc sĩ Mai Quang Sơn, Trưởng Bộ môn Tâm lý học, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk chia sẻ, trong môi trường sống hiện nay, rất khó để có được một không gian yên tĩnh hay chí ít là không quá ồn ào để tập trung cho việc học tập, công tác… Dù ta có sinh sống ở vùng xa xôi, hẻo lánh, cách xa đường giao thông, nhà máy thì ngay chính trong ngôi nhà mình cũng khó tránh được các tiếng động phát ra từ máy tính, thiết bị điện tử hay chính từ những người thân trong gia đình… Những tiếng ồn quá lớn và kéo dài không chỉ gây ra cảm giác khó chịu, mất tập trung, mệt mỏi, phiền toái, gây cản trở công việc, làm suy giảm trí nhớ mà về lâu dài nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người nghe.
Một nhãn hàng Pizza dùng loa di dộng để tiếp thị sản phẩm ngay trên vỉa hè ở TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), kết quả quan trắc năm 2018 cho thấy tiếng ồn trung bình không khí xung quanh đa số đều ở mức cao, dao động trong khoảng 50,4 - 78,1dBA, vượt giới hạn cho phép của QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Các điểm quan trắc đều đặt trong khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, trên các trục quốc lộ đã phản ánh rõ nét tiếng ồn từ hoạt động của phương tiện giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh...
(Còn nữa)
Khả Lê – Huỳnh Thủy
Ý kiến bạn đọc