Multimedia Đọc Báo in

Tác nghiệp ở Trường Sa

16:31, 25/06/2019

Được đến với quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là mơ ước của bất kỳ một người dân Việt Nam yêu nước nào. Còn đối với những người làm báo, được tác nghiệp tại vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào, đôi khi có những điều không thể diễn tả thành lời!

Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tôi cùng gần 40 phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trong toàn quốc được theo tàu HQ 561 do Thượng tá Lê Đình Hải - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân kiêm Chủ tịch UBND huyện Trường Sa làm Trưởng đoàn đi công tác tại các đảo, điểm đảo thuộc khu vực tuyến giữa của quần đảo Trường Sa như: Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn, Núi Le, Tiên Nữ, Tốc Tan và Phan Vinh.

Phóng viên, nhà báo tác nghiệp trong chuyến đi Trường Sa.  Ảnh: T. Hùng
Phóng viên, nhà báo tác nghiệp trong chuyến đi Trường Sa. Ảnh: T. Hùng

Trong suốt hải trình từ Quân cảng Cam Ranh đến điểm đảo đầu tiên - đảo Đá Lớn dài gần 300 hải lý, trong thời gian 2 ngày 1 đêm, chúng tôi đa phần lần đầu tiên đến với Trường Sa, chưa quen với sóng nước nên không ít người say sóng, mệt nhoài. Tuy nhiên, mọi vất vả, mệt nhọc sau những ngày lênh đênh trên biển đều tan biến khi tàu đến nơi, ai nấy đều háo hức và mong muốn được đặt chân lên đảo càng nhanh càng tốt.

Trong suốt hải trình gần 20 ngày, chúng tôi dường như đã quen với khung thời gian: 5 giờ thủy thủ đoàn phát loa báo thức theo hiệu lệnh quân đội “Toàn tàu báo thức - Báo thức toàn tàu”; 5 giờ 30 ăn sáng; 6 giờ 30 đoàn công tác cùng phóng viên, nhà báo vào đảo tác nghiệp và sau đó trở lại tàu, di chuyển đi điểm khác theo lịch trình. Việc chúng tôi làm đầu tiên khi đặt chân lên các đảo là chụp ảnh lưu niệm bên cạnh cột mốc chủ quyền nơi cực Đông xa nhất của Tổ quốc. Sau đó, trong khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ có mặt trên đảo, chúng tôi tranh thủ tối đa thời gian để tác nghiệp, với mong muốn thu thập được thật nhiều tư liệu, hình ảnh về công việc, đời sống của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên đảo. Những lúc không thể “phân thân” theo nhiều đề tài thì chia từng nhóm tác nghiệp để khi về tàu, có thời gian rảnh rỗi sẽ trao đổi với nhau để có sự phong phú trong từng khuôn hình, tư liệu.

Mặc dù làm việc với cường độ cao, ai nấy đều mệt nhoài nhưng chúng tôi đều vui bởi sự nhiệt tình, thân thiện của những người lính hải quân. Nhà báo Dương Thanh Xuân (59 tuổi, phóng viên ảnh của Báo Phú Yên) tâm sự: “Đây là lần đầu tiên được đặt chân lên quần đảo Trường Sa, có lẽ cũng khó có dịp trở lại nên tôi tranh thủ thời gian, cố gắng chụp thật nhiều ảnh, gặp nhiều lính đảo và người dân đang sinh sống, làm việc tại các đảo để khi trở về đất liền tổ chức triển lãm ảnh về Trường Sa; đồng thời có nhiều bài viết để phản ánh cuộc sống của quân và dân nơi đây, qua đó đem đến những thông tin bổ ích cho bạn đọc”.

Nhà báo Trần Quang Tú (46 tuổi, Báo Văn nghệ Thái Nguyên) thì luôn tranh thủ chuyện trò, tâm sự với lính đảo, bày tỏ sự cảm phục tinh thần của chiến sĩ hải quân khi hiến dâng cả tuổi thanh xuân, gác lại hạnh phúc riêng tư, giành về phần mình khó khăn, gian khổ để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ hải quân chào tạm biệt đoàn công tác.
Cán bộ, chiến sĩ hải quân chào tạm biệt đoàn công tác.

Với tôi được tác nghiệp ở Trường Sa thật sự là niềm vinh dự và tự hào, đặc biệt xúc động khi đến với người lính hải quân vào dịp giáp Tết Nguyên đán, được chứng kiến không khí đón Xuân của người lính nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Lần đầu tiên đến với Trường Sa, kinh nghiệm tác nghiệp chưa có nên tôi phải tìm hiểu qua báo chí, từ đồng nghiệp đi trước mà vẫn chưa yên tâm. Thật may khi lên tàu và trong suốt hải trình, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp, CBCS hải quân. Với những phóng viên báo viết như tôi, hành trang tác nghiệp tương đối gọn nhẹ nhưng với phóng viên truyền hình thì vất vả hơn nhiều…

Những ngày lênh đênh trên biển, chiếc điện thoại thông minh gần như vô dụng. Tuy nhiên, đó cũng là niềm hạnh phúc bởi sau những giờ làm việc căng thẳng, anh chị em đồng nghiệp lại có thời gian để ngồi lại bên nhau cùng chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề.

Chuyến công tác đầu tiên ở Trường Sa đã giúp tôi hiểu nhiều hơn về người lính đảo, những người lính có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường trước muôn trùng sóng gió để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chính họ đã tạo động lực, là "điểm tựa" cho tất cả chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm, làm tốt công việc của mình để thấy trân trọng và yêu quý hơn nghề đã chọn.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.