Tham gia bảo hiểm xã hội đối với người có hợp đồng lao động dưới 3 tháng
Theo quy định tại Điều 2 và Điều 124 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội kể từ ngày 1-1-2018. Tuy nhiên, đến nay nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội đối với số lao động này.
Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ ăn uống, nông, lâm nghiệp... sử dụng nhiều lao động thời vụ, lao động ngắn hạn theo từng tính chất công việc, số lao động này chiếm tỷ lệ khá lớn, việc trả công lao động cũng chiếm phần lớn kinh phí chi thường xuyên của doanh nghiệp. Song, việc tham gia bảo hiểm xã hội đối với lao động có hợp đồng lao động ngắn hạn chưa được chú trọng bởi doanh nghiệp cũng như người lao động chưa nắm bắt, chưa hiểu rõ chính sách bảo hiểm xã hội đối với lao động có hợp đồng ngắn hạn. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm cũng gặp không ít khó khăn vì sự biến động liên tục của lao động, nhiều trường hợp chỉ làm việc trong thời gian rất ngắn, việc ký kết hợp đồng lao động còn đơn giản, chưa đảm bảo tính pháp lý, thậm chí nhiều lao động không có hợp đồng, hoặc hợp đồng miệng...
Đại lý thu BHXH, BHYT của huyện Buôn Đôn tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: Kim Oanh |
Không như lao động dài hạn, đối với những trường hợp có ký kết hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thì người lao động và chủ sử dụng lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội với các chế độ ít hơn, mức đóng cũng thấp hơn so với lao động làm việc thường xuyên. Người lao động có hợp đồng dưới 3 tháng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội gồm các chế độ: Hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Người lao động và chủ sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động có hợp đồng dưới 3 tháng.
Với các chế độ được hưởng như trên, mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng của lao động có hợp đồng ngắn hạn bằng 25,5% mức lương được hưởng, trong đó chủ sử dụng lao động đóng bằng 17,5% mức lương của người lao động, bao gồm 14% quỹ hưu trí và tử tuất, 3% quỹ ốm đau, thai sản và 0,5% quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người lao động đóng bằng 8% mức lương của mình vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Về phương thức đóng: Hằng tháng người sử dụng lao động khấu trừ 8% mức lương được hưởng của người lao động, đồng thời trích 17,5% tổng quỹ tiền lương và đóng một lần cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Sau khi lập danh sách đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội để ghi nhận quá trình đóng làm cơ sở giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện.
Để xác định điều kiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có hợp đồng lao động ngắn hạn, giữa chủ sử dụng lao động và người lao động phải xác lập hợp đồng lao động bằng văn bản, đồng thời người lao động phải được chấm công lao động hằng tháng, nếu trong tháng có từ đủ 14 ngày làm việc trở lên có hưởng lương thì bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội.
Chủ sử dụng lao động cần kê khai danh sách đóng bảo hiểm xã hội riêng đối với lao động ngắn hạn, với mức đóng thấp hơn so với lao động có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên. Đồng thời phải cập nhật, điều chỉnh thường xuyên đối với số lao động này, đóng bảo hiểm xã hội kịp thời cho những người đủ điều kiện, cắt giảm đối với những người không còn làm việc tại đơn vị; giải quyết kịp thời các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe đối với người lao động.
Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với lao động có hợp đồng ngắn hạn là công việc khó khăn, đòi hỏi chủ sử dụng lao động phải tốn thêm thời gian, kinh phí. Tuy nhiên, đây là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội, vì vậy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải quan tâm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Trương Văn Bá
Ý kiến bạn đọc