Multimedia Đọc Báo in

Tìm cơ hội để voi nhà sinh sản

15:49, 25/06/2019
Đàn voi nhà của tỉnh ngày một già, số lượng cũng đã giảm rất nhiều, nguy cơ đàn voi nhà sẽ vắng bóng ở nơi được mệnh danh là xứ sở của voi ngày càng hiện hữu... Vậy nên, việc bảo tồn bằng cách cho chúng sinh sản để có một thế hệ voi nối dõi là điều hết sức cần thiết.

Nỗ lực bất thành

Một chiều đầu tháng 2-2019, dưới cái nắng oi ả của mùa khô, hàng chục người dân cùng chuyên gia về voi hồi hộp theo dõi voi Bặc Khăm của ông Y Thang Uông ở xã Yang Tao (huyện Lắk) chuyển dạ sinh con tại tiểu khu 1337, do Ban Quản lý rừng Lịch sử - văn hóa - môi trường hồ Lắk quản lý. Sau 30 phút quằn quại đau đớn, Bặc Khăm cuối cùng cũng sinh ra được một voi đực khoảng 80 kg. Tiếc thay, voi con đã chết ngạt trước khi ra khỏi bụng mẹ. Giấc mơ voi nhà sinh sản một lần nữa lại không thành hiện thực.

Lý giải nguyên nhân cái chết của voi con, ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi cho rằng do voi mẹ Bặc Khăm đã già và một thời gian dài không sinh sản nên cổ âm đạo hẹp, dẫn đến voi con bị mắc kẹt và chết ngạt trước khi được sinh ra. “Độ tuổi để voi sinh sản tốt nhất là từ 12 đến 30 tuổi. Tuy nhiên, Bặc Khăm khi sinh con đã 44 tuổi nên rủi ro là điều rất khó tránh khỏi.”, ông Chung nhận định. Không chỉ riêng Bặc Khăm, tuổi tác đang là vấn đề đối với việc sinh sản của đàn voi nhà ở Đắk Lắk. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện còn 45 con voi nhà, trong đó có 16 voi cái có khả năng sinh sản nhưng đa phần đã trên 35 tuổi.  “Nếu chúng ta không nhanh chóng tìm ra phương pháp phù hợp thì chỉ khoảng 5 năm nữa, voi nhà sẽ không còn khả năng để sinh sản nữa” - Giáo sư Bảo Huy, Trường Đại học Tây Nguyên lo lắng.

Các chuyên gia nước ngoài và cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi kiểm tra sức khỏe sinh sản  cho một con voi ở huyện Lắk.
Các chuyên gia nước ngoài và cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi kiểm tra sức khỏe sinh sản cho một con voi ở huyện Lắk.

Điều đáng lo lắng nữa là đã 25 năm trở lại đây, chưa ghi nhận trường hợp voi nhà nào sinh con thành công. Đây cũng là một thách thức rất lớn trong công tác bảo tồn đàn voi nhà cũng như tìm cách cho voi sinh sản. Bên cạnh đó, đàn voi nhà hiện còn đang bị vắt kiệt sức để chở khách du lịch hằng ngày, đây cũng là một nguyên nhân khiến sức khỏe cũng như khả năng sinh sản của voi bị giảm sút.

Vẫn còn hy vọng

Trong những năm qua, Trung tâm Bảo tồn voi và những chủ voi đã cùng nhau nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hỗ trợ cho voi nhà sinh sản. Không như trước đây, chủ voi chỉ quan sát một vài biểu hiện trên cơ thể voi cái hay voi đực để biết chúng đến thời kỳ động dục rồi cho chúng bắt cặp với nhau. Hiện nay, việc này đều dựa trên những chỉ số khoa học, có độ chính xác rất cao. Cụ thể, Trung tâm Bảo tồn voi tiến hành lấy mẫu máu những con voi cái có khả năng sinh sản để xác định chu kỳ động dục thông qua sự thay nồng độ progesterone trong máu của chúng. Khi biết chính xác thời điểm động dục, voi cái sẽ được ghép cặp với con voi đực mà nó ưa thích. Chúng được thả tự do trong rừng, cùng kiếm ăn, nghỉ ngơi và giao phối. Việc xét nghiệm nồng độ progesterone trong máu cũng giúp phát hiện sớm voi mang thai để có phương án chăm sóc phù hợp.

Một con voi nhà thuộc sở hữu của Vườn Quốc gia Yok Đôn không còn phải chở khách phục vụ du lịch mà đã được thả tự do kiếm ăn trong rừng.
Một con voi nhà thuộc sở hữu của Vườn Quốc gia Yok Đôn không còn phải chở khách phục vụ du lịch mà đã được thả tự do kiếm ăn trong rừng.
 
“Chúng tôi lớn lên dưới chân voi, vui buồn, sướng khổ đều gắn với hình bóng của voi. Tôi chỉ mong muốn sẽ có được một thế hệ voi nối dõi, để con cháu sau này vẫn được gắn bó với voi trong cuộc sống như cha ông chúng".
 
Ông Đàng Năng Long

Cùng với đó, những chủ voi cũng đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc cho voi sinh sản. Họ sẵn sàng cho voi nghỉ làm du lịch trong thời gian ghép cặp giao phối và khi voi đã mang thai. Ông Đàng Năng Long, chủ đàn voi nhà ở huyện Lắk (7 con ) cho biết là sẵn sàng cho voi đực nghỉ làm du lịch để ghép cặp, giao phối với các con voi cái khác nếu có nhu cầu.

Với những nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn voi, các chuyên gia và chủ voi, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có ba con voi cái mang bầu. Tiếc rằng, trong đó có hai trường hợp sinh con không thành công. Hiện tại còn một voi cái ở huyện Lắk đã mang thai hơn một năm, dự kiến sẽ sinh con vào tháng 12-2019. Hiện nay, voi đang được theo dõi và chăm sóc chu đáo để bảo đảm sức khỏe cho việc sinh sản.

“Dù đã có hai trường hợp sinh con thất bại, nhưng việc voi có thể mang thai khỏe mạnh và sinh ra được voi con là tín hiệu vui cho thấy voi nhà vẫn còn khả năng sinh sản. Khi những cá thể này mang thai các lần tiếp theo thì khả năng sinh sản thành công sẽ lớn hơn”, ông Nguyễn Công Chung hy vọng.

Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.