Multimedia Đọc Báo in

Cánh diều tuổi thơ

11:07, 29/07/2019

Không đơn thuần chỉ là một trò chơi truyền thống, thú vui thả diều trong những ngày hè còn thắt chặt thêm mối dây gắn kết giữa cha mẹ và con cái, lưu giữ những ký ức đẹp trong lòng trẻ thơ.

Chiều cuối tuần, anh Phương Minh Nhuận (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cùng hai con trai bày giấy báo cũ, nan tre, hồ dán... ra trước thềm để cùng làm diều. Đây là lần đầu tiên hai con của anh Nhuận là Phương Đặng Bảo Minh (12 tuổi) và Phương Đặng Bảo Nguyên (8 tuổi) được tự tay thực hiện các công đoạn tạo nên một con diều giấy nên cả hai đều rất thích thú.

Trong khi anh Nhuận tỉ mẩn vót nan tre sao cho thật đều, thật khéo thì Bảo Minh cắt báo cũ thành những sợi dài, còn Bảo Nguyên dán chúng với nhau để tạo thành đuôi diều. Sau hơn nửa tiếng hợp sức, con diều hình thoi đã hoàn thành, ba cha con mang diều ra đoạn đường trước nhà kiểm tra vài lần và điều chỉnh độ căng dây, sửa các mối dán thật kỹ trước khi mang đi thả.

Anh Nhuận chia sẻ, anh rất vui khi nhìn thấy con hào hứng cùng làm một con diều thủ công thay cho việc bỏ tiền mua một con diều bán sẵn như những năm trước. Khi cùng làm với con, anh vừa giải thích từng công đoạn và tác dụng của từng loại vật liệu, vừa kể cho con nghe những kỷ niệm tuổi ấu thơ của chính mình.

Anh Phương Minh Nhuận cùng hai con làm diều từ nan tre và giấy báo cũ.
Anh Phương Minh Nhuận cùng hai con làm diều từ nan tre và giấy báo cũ.

Không có nhiều thời gian để làm diều như anh Nhuận, anh Phạm Văn Sang (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) chọn mua cho con một con diều để cùng thả. Anh tâm sự, do đặc thù công việc, anh phải làm việc cả tuần và giờ giấc khá thất thường. Vì vậy, hôm nào anh được về sớm, các con đều năn nỉ bố chở cả nhà đi thả diều. Ban đầu, anh thường chạy đà, giật dây cho diều lên cao, ổn định mới chuyển sang cho con. Sau vài buổi, con học được cách điều khiển sợi dây, cảm nhận hướng gió và tốc độ gió, anh cho con tự thả diều theo ý thích.

Tuy thả diều là một trò chơi khá đơn giản, phổ biến song lại cần có khoảng không gian rộng và thời tiết thuận lợi. Tại TP. Buôn Ma Thuột có 2 điểm được các gia đình chọn lựa để thả diều nhiều nhất trong những ngày hè là Quảng trường 10-3 và khu Dự án Buôn văn hóa các dân tộc tại Km 6 đường Nguyễn Chí Thanh. Theo kinh nghiệm của những người thường xuyên thả diều, khu vực này có sức gió vừa đủ, không bị vướng dây điện, có không gian rộng để chạy đà và có nhiều bóng mát để nghỉ ngơi. Thời gian thích hợp nhất để thả diều là từ sau 3 giờ chiều và có thể kéo dài đến tận 6 giờ tối.

Nhóm trẻ em sửa lại cánh diều trước khi thả.
Nhóm trẻ em sửa lại cánh diều trước khi thả.

Thả diều không khó nhưng cần phải có sự kiên nhẫn, khéo léo và thường xuyên quan sát, điều chỉnh dây diều theo tốc độ gió kẻo dây bị chùng, diều sẽ rớt xuống. Hiện nay, các con diều bằng vải dù đủ kiểu dáng, màu sắc được bày bán khá nhiều ở những cửa hàng đồ chơi với ưu điểm như rẻ, đẹp, dễ lắp ráp... Tuy nhiên, một số phụ huynh vẫn tự làm diều bằng giấy và nan tre, giúp con hiểu hơn về giá trị của trò chơi đậm chất dân gian này.

Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn, hầu hết các em nhỏ đi thả diều đều có cha mẹ hoặc người thân đi cùng hướng dẫn, giám sát. Cũng chính vì lẽ này, thả diều không còn là trò chơi riêng của trẻ nữa mà là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn vừa nhẹ nhàng, lành mạnh vừa ít tốn kém của cả gia đình. Ngắm nhìn bọn trẻ reo hò thích thú khi cánh diều no gió, bay cao vút vào không trung, hẳn các bậc cha mẹ cũng rộn ràng sống lại những ký ức tuổi thơ với cánh diều chở bao mơ ước.

Mùa hè kết thúc, trẻ em lại bước vào một năm học mới để bồi đắp thêm hành trang tri thức. Cánh diều cũng theo đó dần thưa vắng trên bầu trời nhưng chắc hẳn sẽ vẫn còn lưu dấu lại những cảm xúc đẹp trong tâm hồn trẻ thơ. Chỉ mong rằng cùng với tốc độ phát triển của đô thị ngày nay, những không gian rộng rãi, thoáng mát dành cho cộng đồng vẫn tiếp tục được duy trì để trẻ em thành phố mãi được tận hưởng niềm vui thả diều mỗi dịp hè về.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.