Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả công tác truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở huyện Lắk

09:35, 11/07/2019

Trong những năm gần đây, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Lắk đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Qua đó, nhằm phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm những bất thường của trẻ trong giai đoạn thai còn trong bụng mẹ và ngay sau khi trẻ ra đời, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, thời gian qua Ban Dân số - KHHGĐ xã Buôn Triết đã chú trọng triển khai những hoạt động như: nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm, cấp phát tờ rơi...; đặc biệt, cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số còn tích cực đến từng gia đình để tư vấn, phân tích về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, hệ lụy đối với gia đình và xã hội nếu sinh ra những em bé bị bệnh, dị tật bẩm sinh...

Chị H’Nghem Kbin, cán bộ chuyên trách dân số xã Buôn Triết cho biết: “Lúc mới tư vấn, vận động về sàng lọc trước sinh và sơ sinh rất khó khăn vì người dân có tâm lý sợ khám, sợ làm con của họ đau. Nhưng kiên trì tư vấn rồi họ cũng hiểu được lợi ích của sàng lọc và chủ động sàng lọc trước sinh đúng thời điểm, chọn nơi sinh phù hợp để thực hiện sàng lọc sơ sinh. Giờ đây, người dân không những tự nguyện sinh con ít, đẻ con thưa mà ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng giống nòi”. Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay ở xã Buôn Triết đã có hàng trăm phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và hàng trăm em bé được sàng lọc sơ sinh.

Cộng tác viên dân số xã Đắk Phơi (huyện Lắk) tư vấn về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho người dân.
Cộng tác viên dân số xã Đắk Phơi (huyện Lắk) tư vấn về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho người dân.

Năm 2015, khi sinh đứa con đầu, chị H’Vem Đắk Cắt ở buôn Láck Rung (xã Buôn Triết) không tham gia khám sàng trước sinh và sơ sinh. Sau đó, nhiều lần được cán bộ dân số phân tích, chị H’Vem đã hiểu được lợi ích của việc khám sàng lọc là nhằm phát hiện và can thiệp sớm những trường hợp thai nhi, trẻ sơ sinh mắc bệnh, tật bẩm sinh. Vì vậy, khi mang thai đứa con thứ 2, chị đã đăng ký khám sàng lọc trước sinh. Cuối tháng 5-2019, khi sinh con, chị ở lại bệnh viện sau 48 giờ (là thời gian phù hợp) để các bác sĩ lấy mẫu sàng lọc cho con của mình.

Chị chia sẻ: “Khám sàng lọc cho con, biết con mình phát triển bình thường mà không mắc bệnh tật gì, mình vui lắm”. Còn chị H’Ưa Êung ở buôn Ung Rung 2 (xã Buôn Triết) lấy chồng rồi mang thai năm 2018. Do mang thai lần đầu nên chị H’Ưa không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng cho đứa con tương lai của mình. Hiểu được tâm lý đó, cán bộ chuyên trách dân số đã phối hợp với Trạm Y tế xã tư vấn các kiến thức làm mẹ an toàn cho chị H’Ưa. Từ đó, chị khám thai đều đặn và bổ sung dinh dưỡng cần thiết; đồng thời tham gia khám sàng lọc trước sinh 2 lần vào tuần thứ 12 và tuần thứ 22 của thai kỳ. Sau khi sinh con vào tháng 4-2019, chị H’Ưa đã để bác sĩ lấy máu sàng lọc sơ sinh cho con của mình. Nhờ sàng lọc trước sinh và sơ sinh nên chị H’Ưa yên tâm hẳn vì biết con phát triển khỏe mạnh bình thường.

Không chỉ xã Buôn Triết, hiện nay hoạt động truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai rộng khắp tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lắk. Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã cử cán bộ phụ trách về sàng lọc trước sinh và sơ sinh tham gia đầy đủ các lớp tập huấn khi cấp trên tổ chức; đồng thời hằng năm đều tổ chức tập huấn cho đội ngũ chuyên trách dân số tuyến xã, cộng tác viên dân số thôn, buôn, tổ dân phố về kỹ năng tư vấn, vận động và truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Công tác tuyên truyền trực quan cũng được chú trọng như: treo băng rôn, cờ nheo, xây dựng panô...

Nhờ làm tốt công tác truyền thông nên đối tượng tham gia sàng lọc hằng năm đều tăng lên. Năm 2018, toàn huyện có 415 ca sàng lọc trước sinh và 271 ca sàng lọc sơ sinh; từ đầu năm 2019 đến nay cũng đã có 131 ca sàng lọc trước sinh và 169 ca sàng lọc sơ sinh. Bà Võ Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Lắk cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện để thực hiện tốt dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh; gửi mẫu máu cho Bệnh viện Từ Dũ ở TP. Hồ Chí Minh để chẩn đoán. Những trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh, chúng tôi sẽ nhanh chóng báo cho gia đình phối hợp với bệnh viện để có các giải pháp can thiệp, điều trị phù hợp, kịp thời”.

Mẹ con chị H’Ưa Êung.
Mẹ con chị H’Ưa Êung.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở huyện Lắk vẫn còn một số khó khăn như: Mẫu để thực hiện dịch vụ sàng lọc có lúc chưa kịp thời, trang thiết bị máy móc còn hạn chế, nhân lực còn thiếu. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế khó khăn nên một số người dân không tham gia sàng lọc trước sinh hoặc vẫn còn có thói quen về nhà ngay sau khi sinh con ở bệnh viện trong khi thời gian để thực hiện sàng lọc sơ sinh phải là từ 48 đến 72 giờ sau khi sinh...

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện một số bệnh, tật bẩm sinh như hội chứng Down, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD... Thời điểm thích hợp để sàng lọc trước sinh: Từ tuần thai 11 - 13 thai kỳ siêu âm độ mờ da gáy và xét nghiệm máu mẹ (Double test); từ tuần 16 – 18 thai kỳ xét nghiệm máu mẹ (Tripple test); từ tuần 22 – 26 thai kỳ siêu âm hình thái học. Sàng lọc sơ sinh: Thời gian thích hợp là từ khi bé sinh ra được 48 giờ đến 72 giờ. Mỗi bé chỉ cần lấy 2 giọt máu nhỏ lên 2 vòng tròn giấy thấm để khô là đủ để làm xét nghiệm.

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.