Multimedia Đọc Báo in

Khi phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống

09:35, 11/07/2019

Bằng việc triển khai thực hiện mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ea Súp đã và đang góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Được thành lập từ tháng 3 năm 2018, đến nay Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” (CLB) ở Chi hội phụ nữ buôn A2, thị trấn Ea Súp đã thu hút 80 hội viên ở mọi lứa tuổi khác nhau tham gia sinh hoạt. Đều đặn cứ 3 tháng CLB lại tổ chức sinh hoạt 1 lần để Ban chủ nhiệm CLB tuyên truyền, phổ biến đến các thành viên chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình; nguy cơ, hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; các kỹ năng chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan… Không chỉ tuyên truyền miệng, Ban chủ nhiệm mô hình còn đa dạng hình thức tuyên truyền thông qua các hình ảnh trực quan sinh động để hội viên dễ hiểu, dễ nắm bắt. Từ đó, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân, gia đình nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Chị em buôn A2, thị trấn Ea Súp cùng tìm hiểu hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thông qua hình ảnh trực quan.
Chị em buôn A2, thị trấn Ea Súp cùng tìm hiểu hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thông qua hình ảnh trực quan.

Tham gia CLB từ những ngày đầu mới thành lập, chị H’Xa Nhia Mjao (24 tuổi, ở buôn A2, thị trấn Ea Súp) đã tiếp cận được nhiều thông tin bổ ích, từ đó trở thành một tuyên truyền viên đắc lực để vận động gia đình, người thân chấp hành tốt Luật Hôn nhân gia đình. Chị chia sẻ, đến với CLB này, chị thấy mình được tiếp cận với rất nhiều kiến thức hữu ích để vận dụng vào gia đình mình. Bản thân chị kết hôn khi 21 tuổi, đến nay con gái đầu lòng cũng được 3 tuổi, vợ chồng chị cũng dự định sinh thêm bé thứ 2 trong năm tới rồi dừng lại ở 2 con, tập trung làm kinh tế để có điều kiện chăm lo cho con cái. Hơn nữa, với lượng thông tin được tiếp nhận, chị cũng vận động gia đình, họ hàng không nên cho con em lấy chồng sớm, hay kết hôn cận huyết thống mà cần tuân thủ theo Luật Hôn nhân gia đình và để những đứa trẻ sinh ra có đủ sức khỏe, không bị dị tật và được chăm sóc tốt hơn.

 

Thời gian tới, bên cạnh nhân rộng mô hình, Hội LHPN huyện sẽ đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, để mỗi hội viên sẽ là một tuyên truyền viên tích cực trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân “nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống”.

 

 
Bà Phạm Thị Anh Minh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Súp

Có thể thấy, dù mới chỉ hình thành được hơn một năm, song CLB đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện công tác dân số ở buôn A2. Điều đáng mừng, nếu như những năm trước, mỗi năm buôn A2, đều có 5 - 7 trường hợp tảo hôn, thì từ đầu năm 2019 đến nay chưa có trường hợp nào xảy ra.

Chị H’Sân Noi Siu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn A2, cho biết: “Trước đây ở buôn A2, nhiều chị em  mới 13 - 14 tuổi đã lấy chồng nên cuộc sống vô cùng khó khăn, nuôi dạy con cũng rất vất vả vì thiếu kiến thức, thậm chí có những đứa trẻ khi sinh ra lại mắc bệnh bẩm sinh do cha mẹ kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống. Từ thực tế đó, khi bắt tay xây dựng mô hình, chúng tôi đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không nên cho con cái kết hôn sớm, ít nhất phải đủ 19 tuổi trở lên mới được kết hôn và không để xảy ra kết hôn cận huyết thống vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của thế hệ sau. Nhờ vậy, đến nay người dân trong buôn đã nghe theo và làm theo”.

Chị em buôn A2, thị trấn Ea Súp tham gia buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ
Chị em buôn A2, thị trấn Ea Súp tham gia buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ "Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống".

Từ thành công ở buôn A2, đến nay mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” đã được nhân rộng trên địa bàn huyện. Theo bà Phạm Thị Anh Minh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Súp, tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của phụ nữ, nhất là trẻ em gái. Còn kết hôn cận huyết thống lại làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi. Trong khi đó, Ea Súp là huyện vùng sâu vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên vấn đề hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn vẫn hay xảy ra. Vì thế, mô hình “Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” được xây dựng với mục đích tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn đã góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 6 mô hình tại thị trấn Ea Súp và các xã vùng sâu vùng xa, hầu hết đều hoạt động hiệu quả, từng bước hạn chế tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.