Multimedia Đọc Báo in

Ngày hè ở buôn làng

08:38, 06/07/2019

Khi tiếng trống trường báo hiệu kết thúc năm học, cánh cổng trường khép lại đồng thời mở ra những ngày hè đầy nắng gió của học sinh ở các buôn làng. Ngày hè của hầu hết các em ở đây không đi học thêm, cũng không được bố mẹ dẫn đi du lịch đó đây, mà là triền đồi, là bãi sông, là cánh đồng đầy nắng...

Trên con đường dẫn về buôn Ea Mar, xã Krông Na (Buôn Đôn), chúng tôi bắt gặp một nhóm những đứa trẻ đang tụm năm tụm bảy dưới tán cây xà cừ ven cánh đồng Ea Mar. Các em vừa chăn bò vừa say sưa, tỉ mẩn xâu chuỗi hạt để làm vòng đeo tay từ tấm hạt gỗ lót ghế xe hỏng. 

Em H’Ni Phấn Niê (học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Y Jut) cho biết,  ba mẹ đều lên rẫy nên đến mùa nghỉ hè là em có nhiệm vụ vừa trông đứa em 4 tuổi vừa chăn đàn bò 4 con. “Em biết chăn bò từ khi học lớp 3. Khó nhất với em là khi đàn bò trở chứng nhảy lung tung vào rẫy người ta phá phách, chạy đuổi theo toát cả mồ hôi…”. Câu chuyện em kể với chúng tôi chưa dứt thì em phải vội chạy đi lùa đàn bò vì sợ chúng lại sang rẫy phía bên kia dốc dẫm nát hoa màu của người dân.

Các em vừa trông coi đàn bò, vừa chơi trò kết vòng đeo tay từ những chuỗi hạt bỏ đi.
Các em nhỏ chăm chú chim non vừa bắt được một trên cành cây.

Trong đám trẻ con ấy có cô bé dễ thương với đôi mắt to tròn, ánh nhìn có phần sợ sệt, thấy chúng tôi em rụt rè núp sau lưng chị. Tên em là  H’ Ly Glan, dân tộc M’nông. H’ Ly Glan năm nay mới vào lớp một. Ngày hè, em theo chị là H’ Him Glan chăn bò. Với chiếc mũ lụp xụp trên mái tóc vàng hoe màu nắng, hình như e sợ người lạ nên hỏi gì em cũng chỉ cúi đầu. Thấy vậy cô chị trả lời thay em: ba và mẹ đi làm rẫy xa nên phải ở lại cả tuần, hai chị em ở nhà với bà ngoại. Ngày hè, chị đi chăn bò cũng dắt em theo cùng. Sáng lùa đàn bò ra khỏi chuồng, hai chị em không quên mang theo chiếc cà-mèn cơm, trưa lại tụ tập ăn cùng chúng bạn chăn bò.

Cách đó không xa cũng là một nhóm trẻ con khác đang cười nói rộn rã. Chúng thả cho đàn bò ăn cỏ ở đám cây bụi phía trước mặt rồi tụm ba tụm bảy ngồi mớm mồi là mấy con cào cào cho một chú chim non mới vừa bắt được. Y Thoai Knul (dân tộc Êđê, học sinh lớp 6B, Trường THCS Võ Thị Sáu) cho hay, tranh thủ ngày hè, em phụ giúp ba mẹ, dắt đàn bò ra đồng gặm cỏ để cho bò mau lớn, cũng là để bố mẹ có thời gian đi làm việc khác kiếm tiền trang trải cho năm học mới. Tranh thủ lúc đàn bò gặm cỏ, bọn trẻ chia nhau tìm tổ chim rồi đứa tìm bắt mồi, đứa hái lá để lót tổ, đứa lại mớm mồi cho chú chim non đang nằm gọn trong lòng bàn tay còn lấm lem màu đất...

Các em vừa trông coi đàn bò, vừa chơi trò kết vòng đeo tay từ những chuỗi hạt bỏ đi.
Các em vừa trông coi đàn bò, vừa chơi trò kết vòng đeo tay từ những chuỗi hạt bỏ đi.

Với trẻ em nông thôn, mùa hè chỉ có nắng, gió, đồng ruộng, cánh chuồn chuồn, chú chim non vừa bắt được trên lùm cây, là cánh diều no gió trên đồng… là những trò chơi trên “sân chơi” ngày hè mà chúng tự tạo ra cho mình. Anh Y Phưng Niê, Bí thư Đoàn xã Krông Na cho hay, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên hầu hết kỳ nghỉ hè của các em ở đây đều không đi đâu ra khỏi buôn làng. Vừa kết thúc năm học là các em tham gia lao động phụ giúp ba mẹ như cắt cỏ, chăn bò… Để ngày hè của các em thêm phần sôi động, xã cũng tổ chức các hoạt động vui chơi hè như giải bóng đá thiếu nhi, các trò chơi dân gian… cho các em có một sân chơi ý nghĩa.

Mặc dù không được đến các lớp năng khiếu hay đi du lịch, nghỉ mát như trẻ em thành phố trong dịp hè, trẻ em vùng nông thôn phải lao động phụ giúp gia đình những công việc phù hợp với lứa tuổi mình. Tuy vậy, đằng sau những nhọc nhằn thì các em lại có được những ngày hè của tuổi thơ thật sự. Thú vui như thả diều, bắt chim, tự do chạy nhảy ngoài bờ bãi… cũng không kém phần hấp dẫn các em. Đó là khi các em được vui đùa thỏa thích, được tự do thả ước mơ theo cánh diều lộng gió. Và hơn hết các em có được những kỹ năng, những sự trải nghiệm cuộc sống để biết thương cha kính mẹ, biết quý trọng hạt gạo một nắng hai sương...

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.