Nhân ngày Dân số thế giới 11-7:
Tảo hôn và sinh đẻ nhiều: Câu chuyện buồn ở Cư Pui
Từ những tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân, vấn nạn tảo hôn và sinh đẻ nhiều vẫn đang tiếp diễn ở nhiều thôn vùng sâu của xã Cư Pui, huyện Krông Bông.
Lấy chồng khi mới 15 tuổi, đến nay, 25 tuổi, chị Ngô Thị Dê (ở thôn Ea Lang, xã Cư Pui) đã là mẹ của 5 người con. Không nghề nghiệp ổn định, lại không có đất canh tác, cuộc sống của gia đình 7 người chỉ nương nhờ vào tiền làm thuê làm mướn của 2 vợ chồng. Không những thế, cả gia đình chị Dê hiện vẫn sống nhờ trong ngôi nhà tranh, vách nứa chật hẹp và tạm bợ của bố mẹ. Những đứa con lần lượt ra đời cũng là chuỗi ngày luẩn quẩn nghèo đói cứ đeo bám gia đình nhỏ này, báo hiệu một tương lai mù mịt không lối thoát. Thế nhưng, khi được cán bộ dân số tư vấn, vận động sử dụng biện pháp tránh thai để kế hoạch hóa gia đình, vợ chồng chị vẫn chưa chấp nhận sử dụng.
Cách nhà chị Dê không xa là căn nhà nhỏ lụp xụp, vách tre đã mục nát của vợ chồng Lò Thị Mỹ. Cưới nhau ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, cuộc sống sau hôn nhân không giống như những gì Mỹ đã hình dung. Dù mới bước sang tuổi 20 nhưng Mỹ đã có 4 người con (3 gái và 1 trai), đứa đầu 7 tuổi, đứa út vừa mới tròn năm. Qua trò chuyện được biết, Mỹ sinh trưởng trong một gia đình nghèo nên không được đi học, đến năm 13 tuổi thì lấy chồng. Do sinh con khi còn ít tuổi nên Mỹ thường xuyên đau ốm. Còn những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản hay chăm sóc con cái với Mỹ rất mơ hồ. Hiện thu nhập chính của gia đình Mỹ là từ những trái bắp, củ sắn trồng trên mảnh đất đồi khô cằn. Ngoài những ngày mùa, Lý A Vương (chồng của Mỹ) phải đi bốc vác, phụ hồ để kiếm tiền, nhưng cuộc sống của cả gia đình vẫn bấp bênh, bữa đói bữa no.
Chị Ngô Thị Dê và những đứa con trong ngôi nhà tạm bợ nhờ của bố mẹ. |
Không chỉ có gia đình chị Dê, chị Mỹ, ở thôn Ea Lang vẫn còn nhiều cặp vợ chồng lấy nhau lúc chưa “dậy thì”, ngoài đôi mươi đã làm cha, làm mẹ của bầy con nheo nhóc, thậm chí nhiều cặp vợ chồng đã “lên chức” ông bà khi tuổi mới ngoài băm. Chẳng hạn như vợ chồng chị Hầu Thị Mỹ (39 tuổi) và anh Sùng Văn Giàng (37 tuổi) có 8 người con, đứa đầu 18 tuổi đã đi lấy chồng được 2 năm, còn đứa thứ tám được hơn 1 tuổi. Dù đang là “mẹ bỉm sữa” nhưng chị Mỹ và chồng đã là ông bà ngoại khi cô con gái lớn đã sinh con đầu lòng.
Theo số liệu thống kê, hiện cả thôn Ea Lang có 141 hộ với gần 900 nhân khẩu và hầu hết đều là đồng bào Hmông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Do vẫn tồn tại tư tưởng lấy vợ lấy chồng sớm để có người làm, sinh con trai để có người nối dõi, nam nữ thanh niên yêu nhau lấy nhau rồi sinh con đẻ cái không phân biệt tuổi tác, huyết thống... nên tình trạng tảo hôn, đẻ nhiều, đẻ dày vẫn thường xuyên xảy ra ở nơi đây. Tính từ năm 2016 đến nay, cả thôn Ea Lang đã có 38 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, thậm chí nhiều gia đình sinh con thứ 7, thứ 8. Chị Đàm Thị Bay, cộng tác viên dân số thôn Ea Lang cho biết, người dân ở đây vẫn quan niệm rằng con gái 16 - 17 tuổi mà chưa lấy chồng là muộn. Khi lấy chồng thì phải sinh đông con cho “vui cửa vui nhà” và “có con trai để nối dõi”... Vì vậy, công tác tư vấn, vận động về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) gặp rất nhiều khó khăn và tình trạng tảo hôn, sinh nhiều con năm nào cũng có.
Không riêng gì thôn Ea Lang, tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 trở lên còn xảy ra ở nhiều thôn khác trên địa bàn xã Cư Pui. Trong năm 2017 và 2018, toàn xã có 30 trường hợp tảo hôn và 204 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Theo chị Nguyễn Thị Ly, cán bộ chuyên trách dân số xã Cư Pui, từ đầu năm 2019 đến nay, địa phương đã tổ chức hàng chục buổi tư vấn, vận động trực tiếp tại hộ gia đình. Đồng thời, phối hợp với các đoàn thể, ban tự quản các thôn tổ chức sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề về KHHGĐ và Luật hôn nhân và gia đình... Tuy nhiên, nhiều người dân không chịu hợp tác nên hiệu quả còn hạn chế. Do đó, trong 6 tháng đầu năm đã có thêm 5 trường hợp tảo hôn và 34 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên.
Cán bộ dân số đến tận nhà tuyên truyền, vận động chị Lò Thị Mỹ thực hiện KHHGĐ. |
Tảo hôn, đẻ nhiều, đẻ dày trong khi tập quán canh tác lạc hậu, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn phát triển kinh tế dẫn tới tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ em bị suy dinh dưỡng và không được chăm sóc đầy đủ là chuyện tất yếu. Thống kê cho thấy, hiện toàn xã Cư Pui có gần 1.760 hộ nghèo và cận nghèo, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng chiếm hơn 28%...
Quả thực, nhìn từ thực tế ở Cư Pui có thể thấy, những câu chuyện buồn sẽ còn tiếp diễn nếu không có sự đồng lòng, vào cuộc của toàn xã hội để làm thay đổi dần nhận thức của những người dân nơi đây.
Kim Oanh - Võ Thảo
Ý kiến bạn đọc