Multimedia Đọc Báo in

Những cách làm hay hỗ trợ người nghèo ở thị trấn Quảng Phú

08:46, 04/07/2019

Những năm qua, nhiều cách làm mới, mô hình hay đã được các tổ chức đoàn thể thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) triển khai, vận dụng để giúp đỡ người nghèo vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Nổi bật là mô hình “Làm công xây dựng quỹ nuôi dê” được Hội LHPN thị trấn Quảng Phú triển khai tại Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 8 từ năm 2011. Mô hình có 16 thành viên đều là những phụ nữ nghèo, không có đất sản xuất, sống dựa vào công việc làm thuê. Hằng tháng, mỗi thành viên sẽ đóng góp 500 nghìn đồng để mua 1 - 2 cặp dê giống giúp một chị em trong nhóm chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn nên sau 8 năm triển khai mô hình, các thành viên trong nhóm đều đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để từ nghề nuôi dê. Hộ nào cũng sở hữu đàn dê từ 30 - 50 con, thậm chí có hộ hơn 100 con.

Như trường hợp chị Đoàn Thị Thành (tổ dân phố 8) từ 4 con dê giống ban đầu được nhóm hỗ trợ để chăn nuôi, đến nay chị đã gây dựng được đàn dê với hơn 30 con. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ việc nuôi dê, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện để xây dựng ngôi nhà khang trang, rộng rãi và lo cho con cái ăn học.

Mô hình “Làm công xây dựng quỹ nuôi dê” của Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 8.
Mô hình “Làm công xây dựng quỹ nuôi dê” của Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 8.

Nhận thấy việc nuôi dê ít vốn đầu tư, quay vòng nhanh, có thể tận dụng được thời gian nông nhàn, cuối tháng 5-2019 Hội LHPN thị trấn đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê gồm 26 hộ tham gia, với tổng đàn là 720 con. Đây là nơi các hộ có cùng sở thích chăn nuôi được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc và phòng bệnh cho vật nuôi cũng như hỗ trợ con giống tốt, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cùng với mô hình nuôi dê, Hội Phụ nữ thị trấn cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực khác như: vận động các chi hội xây dựng những tổ hùn vốn, mô hình “Nuôi heo đất”, mô hình “Ống tiền tiết kiệm” nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo, cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất và chăn nuôi; phối hợp với địa phương xây dựng 2 nhóm kết nối tình thương tại tổ dân phố 3 và tổ dân phố 7 nhằm huy động sự đóng góp của người dân, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân để giúp đỡ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, bệnh hiểm nghèo; triển khai và nhân rộng mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” tại 9 chi hội… Với nhiều hình thức hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, từ năm 2016 đến nay Hội Phụ nữ thị trấn Quảng Phú đã giúp 27 phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.

 
“Chính sự linh hoạt trong cách hỗ trợ người nghèo của các tổ chức đoàn thể đã từng bước giúp người dân vươn lên, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đến nay thị trấn Quảng Phú còn 160 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 4,01%) giảm 105 hộ so với năm 2018”.
 
Ông Hoàng Xuân Hồng, Chủ tịch UBND thị trấn Quảng Phú

Cũng như Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh thị trấn Quảng Phú cũng có nhiều cách làm hay để giúp đỡ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Nhằm tạo điều kiện giúp nhau về vốn để làm ăn, năm 2014 Hội Cựu chiến binh thị trấn đã triển khai xây dựng Quỹ hội viên cho nhau mượn phát triển kinh tế. Hội đã vận động hội viên đóng góp từ 300 - 400 nghìn đồng/người/năm. Từ nguồn vốn này, các hội viên có nhu cầu được hỗ trợ vay với lãi suất thấp để chăm sóc vườn cây, mua sắm vật tư nông nghiệp. Các hội viên phải cam kết sử dụng vốn có hiệu quả, đúng mục đích và hoàn vốn đúng hẹn để các hội viên khác có cơ hội vay vốn. Nhờ vậy, đến nay Quỹ hội viên cho nhau mượn phát triển kinh tế của Hội vẫn duy trì tốt và được Khối Dân vận các xã, thị trấn đưa vào là một trong những mô hình dân vận khéo ở cơ sở.

Ngoài việc hỗ trợ về tài chính, Hội cũng chú trọng đến công tác đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bằng nhiều hình thức như vận động cán bộ, hội viên hỗ trợ ngày công, vật dụng sinh hoạt, cây trồng, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi… Đơn cử như gia đình hội viên Dương Thị Mai (tổ dân phố 3) vốn là hộ nghèo của địa phương, một mình bà phải bươn chải để nuôi 3 đứa con, nhưng kinh tế của cả gia đình chỉ phụ thuộc vài sào ruộng lúa nước, nhiều năm liền mẹ con bà phải ở trong căn nhà ván ọp ẹp. Hiểu được những khó khăn của bà, năm 2017 Hội đã đứng ra làm “cầu nối” giúp gia đình được nhận số tiền 60 triệu đồng do Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ để xây dựng căn nhà cấp 4 khang trang, rộng 50 m2. Hội cũng đã vận động hội viên giúp đỡ ngày công đào móng, xây nhà cũng như đóng góp tiền mua thêm vật dụng tặng gia đình bà trong ngày bàn giao nhà.

Bà Dương Thị Mai nhận quà của Hội Cựu chiến binh thị trấn Quảng Phú tặng trong lễ bàn giao nhà.
Bà Dương Thị Mai nhận quà của Hội Cựu chiến binh thị trấn Quảng Phú tặng trong lễ bàn giao nhà.

Ngoài những mô hình, cách làm hay do Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh triển khai thì có thể kể đến mô hình “Nuôi heo đất” của Đảng ủy thị trấn, Quỹ vì người nghèo của Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn hay “Ngân hàng bò” của Hội Chữ thập đỏ thị trấn… cũng đã đạt được kết quả tích cực, góp phần vào công tác giảm nghèo trên địa bàn.

Tuyết Mai

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.