Multimedia Đọc Báo in

Những cựu chiến binh gương mẫu giữa thời bình

08:23, 21/07/2019

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc họ đã sẵn sàng lên đường nhập ngũ, cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Trở về với cuộc sống thời bình, những cựu chiến binh này lại tiếp tục xông pha trên mặt trận phát triển kinh tế, tham gia công tác xã hội, đóng góp cho sự phát triển của địa phương...

Người thương binh năng động, nhiệt huyết

Năm 1965, ông Trần Xuân Bình tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Hà Tĩnh khi mới tròn 18 tuổi, được biên chế vào Tiểu đoàn pháo cao xạ, Sư đoàn 320 làm trợ lý quân nhu. Sau 16 năm phục vụ trong quân đội, tham gia các trận đánh lớn như Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mùa hè đỏ lửa 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, Chiến tranh biên giới Tây Nam, Chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979, ông bị thương với tỷ lệ thương tật 31%. Năm 1981, ông Bình xuất ngũ về sinh sống tại địa phương.

Năm 1990, cựu chiến binh, thương binh Trần Xuân Bình đưa cả gia đình đi xây dựng kinh tế mới tại thôn 6, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột. Lúc đầu, cuộc sống ở vùng đất mới gặp nhiều khó khăn, nhưng với bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Bình động viên vợ - cũng là cựu TNXP nỗ lực vươn lên. Vợ chồng ông chăm chỉ làm lụng, tích cóp tiền mua được 1 ha đất. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông trồng các loại hoa màu, chăn nuôi thêm heo, gà để có vốn đầu tư trồng cà phê và trồng xen 300 trụ tiêu, 80 cây ăn trái. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đến nay, mỗi năm gia đình ông thu hoạch được 3 tấn cà phê, 5 tạ tiêu, 1 tấn bơ booth, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 120 triệu đồng.

Cựu chiến binh Trần Xuân Bình (thôn 6, xã Hòa Khánh,  TP. Buôn Ma Thuột) trong vườn tiêu của gia đình.
Cựu chiến binh Trần Xuân Bình (thôn 6, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) trong vườn tiêu của gia đình.

Không chỉ năng động, vươn lên làm giàu cho gia đình, ông Bình còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Sau thời gian làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Khánh, năm 2009 ông Bình tham gia Ban vận động thành lập Chi hội Cựu TNXP xã với 29 hội viên. Đến năm 2012, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội. Với vai trò, trách nhiệm và tình cảm của mình đối với đồng đội, ông Bình đã cùng Ban Chấp hành Hội rà soát, nắm tình hình sức khỏe, gia cảnh hội viên, đề xuất giải quyết chế độ và có hướng trợ giúp hiệu quả. Trong số 123 hội viên, Ban Chấp hành Hội đã đề xuất, hướng dẫn cho 59 trường hợp làm hồ sơ thủ tục hưởng chế độ; huy động đóng góp Quỹ Nghĩa tình đồng đội được 58 triệu đồng cho hội viên vay lãi suất thấp; vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 4 căn nhà và trao tặng hàng trăm suất quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, qua đó giúp 8 hội viên thoát nghèo bền vững.

Cựu chiến binh làm giàu từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ

Sinh ra và lớn lên ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, năm 1984, ông Vũ Văn Khanh nhập ngũ khi vừa tròn 19 tuổi, đóng quân tại Trung đoàn 458, Sư đoàn 323 (Móng Cái, Quảng Ninh).

Sau khi xuất ngũ, năm 1995, cựu chiến binh Vũ Văn Khanh đưa gia đình vào thôn 5B, xã Ea Ô, huyện Ea Kar lập nghiệp. Cũng như nhiều hộ dân trong vùng, ông chọn cây cà phê để phát triển kinh tế trên 7 sào đất của gia đình. Sau quá trình trồng, chăm sóc, nhận thấy cây cà phê không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây, ông Khanh chuyển đổi sang trồng hồ tiêu, cam, quýt… Tuy nhiên các loại cây này cũng không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cựu chiến binh Vũ Văn Khanh (thôn 5B, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ.
Cựu chiến binh Vũ Văn Khanh (thôn 5B, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ.

Trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế trên chân đất ruộng thấp của gia đình, năm 2014, trong một lần về thăm quê, ông tình cờ biết đến cây thanh long ruột đỏ và đã mua 10 cây giống về trồng thử nghiệm. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm chăm sóc nên cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, trái to, vị ngọt… Năm 2018, ông Khanh đã mạnh dạn mua thêm 1,5 ha đất trồng 2.000 trụ thanh long ruột đỏ, kết hợp trồng xen cam, quýt. Vụ thanh long năm 2018 với 600 trụ cho trái bói, gia đình ông thu hoạch được khoảng 2 tấn, giá bán bình quân hơn 17.000 đồng/kg.

Qua tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, hiện ông Khanh đã xử lý cho thanh long ra trái sớm, dự kiến trong năm 2019 vườn cây sẽ cho khoảng 7 tấn quả, với giá bán hiện nay khoảng 20.000 đồng/kg, sẽ có doanh thu trên 200 triệu đồng/năm. Theo cựu chiến binh Vũ Văn Khanh, thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng và có thể trở thành cây trồng giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo.

Ông Nguyễn Văn Thương, Bí thư Chi bộ thôn 5B, xã Ea Ô nhận xét: "Với bản lĩnh của một cựu chiến binh và đức tính cần cù, chịu khó học hỏi, ông Vũ Văn Khanh đã cùng gia đình tạo dựng mô hình kinh tế hiệu quả với nhiều loại cây trồng cho thu nhập cao và trở thành điểm tham quan, học tập nhân rộng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trong vùng".

Xuân Thao


Ý kiến bạn đọc