Multimedia Đọc Báo in

Ẩm thực Việt ở trung tâm thương mại lớn nhất Penang (Malaysia)

17:55, 26/08/2019

Queensbay Mall là trung tâm mua sắm lớn nhất của đảo ngọc Penang, cách thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) khoảng 325 km về hướng tây bắc. Queensbay Mall có hơn 500 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng của những thương hiệu danh tiếng thế giới như Dior, Mango, Gap, Elle, Timberland, Adidas…

Trên tầng ba của trung tâm thương mại này là khu ẩm thực “Queens Hall” nổi tiếng với nhiều gian hàng ẩm thực phục vụ các món ăn đặc trưng của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, có các món ăn Việt Nam được bày bán tại ba gian hàng ẩm thực xen giữa những gian hàng của Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… với những cái tên mang đậm phong cách ẩm thực truyền thống Việt Nam, như “Bánh mì Út”, “Phở Việt” và “Vietnamese cuisine” (tạm dịch là “Bếp Việt”).

Chị Đinh Thị Hương Giang, quê ở Đô Lương - Nghệ An, vừa là quản lý, vừa phục vụ gian hàng ăn uống “Vietnamese cuisine” cho biết, chủ của gian hàng này là một phụ nữ Việt Nam có chồng là người Hoa, hiện tại cũng đang kinh doanh các gian hàng ẩm thực khác ở nhiều trung tâm mua sắm tại Penang.

Chị Giang cho biết, trước đó, chị đã nghỉ việc ở một công ty điện tử, do mức lương mỗi tháng khi làm việc tại đây chỉ có vỏn vẹn 900 MYR tức chỉ khoảng hơn 5 triệu đồng và hoàn toàn không đủ cho việc chi tiêu, thuê nhà, trả nợ hàng tháng cho trung tâm môi giới việc làm với số tiền nợ phải đóng trước khi sang Malaysia là hơn 14 triệu đồng. Đợt xuất khẩu lao động sang Malaysia cùng thời điểm với chị có tổng cộng 18 người Việt Nam, nhưng đến giờ chỉ còn mỗi mình chị là may mắn bám trụ lại được tại đảo Penang của Malaysia, số còn lại đều đã trở về Việt Nam.

Một cửa hàng ẩm thực Việt ở Queensbay Mall.
Một cửa hàng ẩm thực Việt ở Queensbay Mall.

Chị Giang cùng với chị Thanh (quê ở Hà Tĩnh) được người chủ giao cho việc điều hành và nấu nướng chế biến các món ăn phong cách thuần Việt phục vụ cho khách hàng, thời gian làm việc hằng ngày từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối. Mỗi gian hàng được bố trí với diện tích chưa đầy 12 m2 vừa đủ để chế biến, trưng bày giới thiệu các món ăn. Phía trước các gian hàng đều được đặt nhiều dãy bàn ghế đủ để phục vụ cho lượng khách lớn đến thưởng thức.

Khách hàng đến với các gian hàng ẩm thực Việt Nam rất đa dạng. Ngoài lượng khách nước sở tại là người Malaysia thì hầu hết du khách từ các quốc gia khác đến Queensbay Mall đều ghé thăm các gian hàng ẩm thực Việt Nam và thưởng thức các món ăn truyền thống của người Việt. Nhờ sự phong phú về lượng khách nên việc kinh doanh ẩm thực Việt ở đây rất thuận lợi, có thể cạnh tranh sòng phẳng với nhiều gian hàng ẩm thực từ các quốc gia khác. Chị Giang cho hay, để giữ chân khách hàng đồng thời quảng bá hình ảnh nét đẹp văn hóa Việt, các món ăn Việt ở đây phải luôn bảo đảm chất lượng, thể hiện nét truyền thống và phong cách độc đáo vốn có.

Đến với gian hàng “Vietnamese Cuisine”, chúng tôi đã được thưởng thức món bún bò Huế thuần vị Việt rất ngon miệng. Ngoài bún bò Huế, “Vietnamese Cuisine” còn phục vụ nhiều món ăn đến từ các vùng miền khác ở Việt Nam như phở bò, phở gà, bánh mì thịt, gỏi cuốn, cơm gà, chả giò chiên…

Điều đặc biệt là khi khảo sát sơ bộ giá bán của các món ăn ở nhiều gian hàng khác nhau tại khu ẩm thực Queens Hall thì món ăn Việt Nam có giá bán cao hơn hẳn so với những món ăn đến từ các nước khác, với mức từ 10MYR (Malaysia Ringgit – đơn vị tiền tệ của Malaysia) đến 15 MYR, tương đương với 57.000 – 83.000 đồng mỗi phần ăn, trong khi các món ăn của các nước khác chỉ có giá dao động từ 5 - 12 MYR, tương đương 28.000 – 67.000 đồng/phần. Giá cao vậy song các gian hàng ẩm thực Việt Nam luôn đông khách; hầu hết khách hàng sau khi thưởng thức các món ăn tại “Vietnamese Cuisine” đều tấm tắc khen ngon.

Còn với những người Việt đang kinh doanh hoặc làm phục vụ ở các gian hàng ẩm thực ở đây, ngoài việc mưu sinh thì còn niềm vui nữa là hằng ngày được tự tay chế biến các món ăn truyền thống, mang đậm phong cách Việt để giới thiệu cho mọi người trên thế giới.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.