Multimedia Đọc Báo in

Giăng câu mùa nước nổi

17:49, 26/08/2019

Mùa mưa đến, mực nước tại các ao hồ, kênh rạch, bờ ruộng dâng cao. Đây là thời điểm lý tưởng cho các loài cá về trú ẩn, tìm kiếm thức ăn. Nhắm chừng con nước đã tràn đồng, người dân háo hức chuẩn bị đồ nghề đi bắt cá.

Giữa trưa, anh Y Niên Kbuôr (35 tuổi, trú buôn Ja, xã Bông Krang, huyện Lắk) cùng 3 người bạn mải mê “tra” mồi vào cần câu cá tại cánh đồng lúa trong xã. Anh Y Niên cho biết, mấy ngày nay mưa lớn không làm được gì bèn rủ mấy anh em đi câu, vừa giải trí lại có cá ăn. Cá có quanh năm, nhưng theo đúng quy luật thì mùa nước nổi là nhiều nhất. Bởi sau thời gian dài trốn hạn, nằm sâu trong các hang hốc, đàn cá có cơ hội ngoi lên mặt nước tìm kiếm thức ăn khi mùa mưa về.

Cá đồng thường tập trung ở những dòng kênh, bờ ruộng có nhiều cỏ sậy, gốc rạ. Người có kinh nghiệm chỉ cần nhìn theo con nước là biết nơi nào nhiều cá. Nếu mặt nước cạn, hơi đục, có nhiều bóng nước nổi lên ở gần bụi cây, gốc rạ... thì chỗ đó cá tụ thành bầy. Người câu chỉ giăng cần là cá dính ngay, ngược lại người “non tay” có câu cả ngày cũng về tay không.

Các
Các "cần thủ" đội mưa câu cá tại cánh đồng lúa xã Bông Krang.

Ngoài kinh nghiệm nhìn nước thì mồi câu đóng vai trò quan trọng để dụ cá. Là tay "sát cá" ở buôn Mă (xã Bông Krang, huyện Lắk), anh Y Huân Byă cho rằng mồi câu quyết định tới 70% sự thành công của buổi đi câu. Mỗi loại cá ăn con mồi khác nhau, do đó cần phải chuẩn bị mồi phù hợp. Trong các loại cá đồng, cá lóc là khó dụ nhất dù nổi tiếng háu ăn, nhưng lại rất khôn. Muốn dụ được chúng phải bắt các loại nhái, thằn lằn, cá rô phi nhỏ... còn sống và để nguyên con làm mồi; tiếp đến phải tìm cách ngụy trang con mồi, buông cần ra xa mới câu được cá lóc. Mỗi người thường ôm từ 3 - 4 cần và thả câu nhiều chỗ để câu được nhiều cá.

 Hơn hai tiếng đồng hồ, anh Y Niên Kbuôr câu được 1 xâu cá.
Hơn hai tiếng đồng hồ, anh Y Niên Kbuôr câu được 1 xâu cá.

Ngồi câu hơn hai tiếng đồng hồ, mỗi thành viên trong nhóm anh Y Niên đều được một xâu cá, chủ yếu là cá rô phi loại nhỏ, song ai cũng hồ hởi, vui vẻ. Theo các cần thủ, câu cá rất dễ ghiền, nhất là lúc cá ăn mồi. Trước sức hấp dẫn của nghề câu cá, cứ đến mùa nước nổi, người người (cánh đàn ông, phụ nữ và em nhỏ) lại kéo nhau ra đồng, kênh mương... câu cá từ sáng sớm cho đến chiều tàn. Mặc trời nắng rồi trút mưa, họ vẫn phơi mình ung dung nhíp cần câu đến nỗi quên cả giờ ăn cơm. Cá đồng sống trong môi trường tự nhiên nên thịt ngọt, săn và thơm, đặc biệt con nào cũng có bụng trứng căng tròn. Cá ăn không hết, họ đem ra chợ bán, mùa nước nổi cứ thế trôi qua thật nhẹ nhàng, thanh bình với người miền quê.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.