Multimedia Đọc Báo in

Giúp người nghèo an cư, lập nghiệp

07:11, 04/08/2019

Ngoài chính sách chung của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Cư M'gar đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà ở.

Những cách làm sáng tạo ấy không thể không kể đến là Quỹ tiết kiệm “1.000 đồng” của Huyện ủy Cư M’gar huy động kinh phí xây dựng nhà Đại đoàn kết; chương trình nhà Mái ấm tình thương của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện; hỗ trợ xây dựng nhà Nghĩa tình đồng đội của Hội Cựu chiến binh huyện; Huyện Đoàn với chương trình xây nhà Nhân ái, Khăn quàng đỏ; Liên đoàn Lao động huyện với nhà Mái ấm công đoàn…

Theo thống kê, trong 5 năm qua (2014 – 2018), toàn huyện đã hỗ trợ xây dựng được 218 ngôi nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, với tổng số tiền hơn 7,7 tỷ đồng; hỗ trợ làm mới, sửa chữa 286 nhà Tình thương, nhà theo Chương trình 167 (giai đoạn 2) với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 25 nhà Mái ấm công đoàn với số tiền gần 900 triệu đồng; 12 nhà Mái ấm tình thương với số tiền 660 triệu đồng…

Bà Phan Thị Hồng, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Cư M’gar (bên trái) trao quyết định bàn giao nhà cho gia đình bà H'Mlo Niê.
Bà Phan Thị Hồng, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Cư M’gar (bên trái) trao quyết định bàn giao nhà cho gia đình bà H'Mlo Niê.

Cách đây chỉ vài tháng, 4 thành viên của gia đình anh Ngô Thế Hòa ở thôn 2 (xã Ea Tar) còn ở trong ngôi nhà gỗ xập xệ, dột nát mà nay gia đình anh đã có ngôi nhà khá khang trang, với diện tích 50 m2, trị giá 48 triệu đồng. Từ ngày có được căn nhà vững chãi, anh Hòa yên tâm hơn khi đi làm, không còn phải thấp thỏm mỗi khi trời mưa gió, nhờ đó cuộc sống ngày càng ổn định.

Anh Hòa tâm sự: “Ngôi nhà cũ trời mưa dột lắm không ở được. Gia đình tôi chỉ có hơn 1 sào đất canh tác, thu nhập chỉ đủ ăn nên không có tiền để sửa chữa hay xây mới. Được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 35 triệu đồng từ Quỹ tiết kiệm “1.000 đồng” và xã hỗ trợ 3 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo gia đình mới có thể xây dựng được ngôi nhà mới để ở”.

Tương tự, bà H’Mlo Niê ở buôn Kna B (xã Cư M’gar) cũng hết sức phấn khởi khi dọn vào ở trong ngôi nhà chắc chắn. Bà H’Mlo hiện đang sống cùng hai người con, trong đó có một người bị khuyết tật. Gia đình bà chỉ trông vào thu nhập từ 2 sào cà phê, tiêu, cộng với tiền công bấp bênh do công việc không ổn định của người con trai nên cuộc sống rất khó khăn. Nhiều năm nay, ngôi nhà của gia đình đã xuống cấp nhưng không có điều kiện để sửa chữa, hoặc xây mới.

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, cuối năm 2017 Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện và chùa Hoa Nghiêm (thị trấn Quảng Phú) đã vận động hỗ trợ gia đình 60 triệu đồng, nhờ đó gia đình bà H’Mlo mới xây được ngôi nhà cấp 4 mái lớp tôn, nền lát gạch hoa, có diện tích sử dụng 52 m2. Bà H’Mlo Niê chia sẻ: “Có nhà mới gia đình vui lắm, trời mưa không phải lo nữa. Cảm ơn huyện, xã nhiều lắm...”.

Dù giá trị vật chất mỗi ngôi nhà không lớn nhưng phần nào đã giúp cho các hộ nghèo, gia đình chính sách có nơi ở ổn định, nhiều gia đình có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững...

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.