Multimedia Đọc Báo in

Mùa Vu lan nhớ nội

17:40, 26/08/2019

Cứ mỗi dịp Vu lan, những ký ức đẹp tuổi thơ của tôi với nội lại ùa về. Còn nhớ những mùa Vu lan lúc nội còn sống, khi những tờ lịch âm của tháng 6 được xé hết, nội luôn nhắc bố tôi gọi điện cho tất cả các thành viên ở xa sắp xếp thời gian công việc để về nhà. Nội bảo: “Cả năm có rằm tháng Bảy, cả thảy có rằm tháng Giêng. Con cháu đi đâu nhớ ngày về mà thắp hương cho ông!”.

Vậy nhưng, công việc bộn bề dường như khiến con người ta ngày càng vô tâm hơn. Mọi người chẳng có nhiều thời gian để về với nội nữa. Những cuộc gặp gỡ trong mùa Vu lan cứ thế thưa dần. Khi nghe bố tôi nói năm nay mấy đứa nó bận không về được, nội thở dài rồi bảo: “Nhắn với chúng nội chả sống được bao lâu nữa, chỉ muốn nhìn thấy con cháu được quây quần, rằm tháng Bảy là quan trọng lắm đấy”. Vu lan năm ấy, gia đình chú Ba, chú Tư bận không về, hai chị gái tôi cũng không về được. Mọi người chỉ gọi điện hỏi thăm và xin khất với nội, hẹn Vu lan năm sau nhất định sẽ về. Nhưng tất cả mọi người không biết được, đó cũng là mùa Vu lan cuối cùng chúng tôi còn có nội.

Tôi nhớ, rằm tháng Bảy năm ấy, khi chúng tôi quây quần về nhà, nội vẫn còn chặt mía cho chúng tôi. Nội luôn giữ thói quen chăm sóc những liếp mía tím để khi con cháu về đông đủ sẽ chặt cho chúng ăn. Năm đó, hai hàng mía không hiểu sao chẳng chịu lớn, các đốt mía cứ ngắn đũn lại. Nội chép miệng: “Cha tổ chúng mày, nuôi đến giờ mà không chịu lớn cho tụi nó về có cái mà xước”.

Thế là đã ba mùa Vu lan chúng tôi vắng nội. Những liếp mía vẫn được bố tôi nâng niu chăm sóc. Trước lễ, bố vẫn gọi nhắc chúng tôi: "Tụi bây sắp xếp về mà ăn mía của nội". Nỗi nhớ nội khắc khoải, thổn thức nhắc tôi trở về nhà mỗi dịp Vu lan...

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.