Multimedia Đọc Báo in

Những chủ tịch công đoàn cơ sở tận tụy vì lợi ích đoàn viên

09:13, 03/08/2019

Xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức công đoàn tại cơ quan, đơn vị, nhiều chủ tịch công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt vai trò đại diện, tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát, tích cực chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên (ĐV), người lao động (NLĐ).

Hết lòng vì người lao động

Những năm qua, với vai trò là Phó Giám đốc Công ty, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk, anh Lê Đình Trung đã trở thành cầu nối giữa người sử dụng lao động và NLĐ cũng như có nhiều việc làm quan tâm, chăm lo đời sống, thu nhập và điều kiện làm việc cho ĐV trong Công ty.

Một trong những hoạt động giúp đỡ những ĐV có hoàn cảnh khó khăn được tổ chức thường niên là chương trình “Tết sum vầy”. Theo đó, hằng năm, ngoài phần kinh phí hỗ trợ từ Công ty, anh Trung cùng công đoàn đã đứng ra vận động một số doanh nghiệp khác chung tay hỗ trợ để sẻ chia với người lao động nhằm giúp họ vui Xuân đón Tết cùng gia đình.

Anh Lê ĐÌnh Trung (bìa trái) là đại diện duy nhất của tỉnh được tuyên dương Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu toàn quốc năm 2019.(Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh Lê ĐÌnh Trung (bìa trái) là đại diện duy nhất của tỉnh được tuyên dương Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu toàn quốc năm 2019. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chỉ tính riêng trong chương trình “Tết sum vầy” năm 2019, Công đoàn Công ty đã vận động và trao quà Tết (gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm) cho 34 công nhân, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá trên 40 triệu đồng. Ngoài ra, trong Tháng công nhân hằng năm, công đoàn cũng đã tổ chức thăm hỏi, trao kinh phí hỗ trợ những trường hợp khó khăn, công nhân bị tai nạn lao động, ốm đau…

Cùng với đó, các công đoàn bộ phận còn đảm nhận thi công một số công trình nhằm gây quỹ phúc lợi, quỹ công đoàn để thăm hỏi, hỗ trợ ĐV, NLĐ khi gặp hoạn nạn, bệnh hiểm nghèo với số tiền khoảng 3 triệu đồng/trường hợp; vận động cán bộ, công nhân lao động tham gia đóng góp hỗ trợ thêm để sẻ chia khó khăn với gia đình các ĐV. Công đoàn còn vận động xây dựng Quỹ Vì nữ công nhân lao động nghèo với số tiền trên 200 triệu đồng cho công nhân khó khăn vay để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Hiện nay, Công đoàn Công ty có 6 công đoàn bộ phận trực thuộc với 763 ĐV, NLĐ. Do lực lượng lao động đông, lĩnh vực và địa bàn hoạt động rộng nên để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho NLĐ, công đoàn ngoài việc thường xuyên cung cấp kiến thức pháp luật, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp còn chọn lọc những nội dung phù hợp, thiết thực nhất gửi về từng công đoàn bộ phận để tuyên truyền đến tận người lao động. Ngoài ra, công nhân lao động của Công ty cũng luôn được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm, khám sức khỏe định kỳ, trang cấp bảo hộ lao động…

“Đầu tàu” trong hoạt động công đoàn

Không chỉ là giáo viên dạy giỏi, tâm huyết với nghề, tận tụy với học sinh; năng nổ, nhiệt tình, tích cực trong hoạt động, phong trào của nhà trường mà thầy Trịnh Hoàng Nhân (giáo viên môn Vật lý, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thị xã Buôn Hồ) còn là một “đầu tàu” trong hoạt động công đoàn cơ sở.

Anh Lê Đình Trung là đại diện duy nhất của tỉnh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tuyên dương Chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ IV năm 2019 tổ chức tại Hà Nội vào ngày 20-7 .

Trên cương vị Chủ tịch Công đoàn, thầy Nhân luôn gần gũi, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐV, NLĐ để từ đó có sự sẻ chia, giúp đỡ kịp thời.

Đơn cử như khi biết trường hợp vợ của thầy Sơn, một giáo viên trong trường bị bệnh nặng, thầy Nhân đã đứng ra kêu gọi các thầy cô giáo, cán bộ nhà trường chung tay đóng góp hỗ trợ với số tiền trên 9 triệu đồng, đồng thời đề xuất công đoàn ngành hỗ trợ 35 triệu đồng. Hay như nhận thấy đời sống của cán bộ giáo viên nhà trường còn nhiều khó khăn, nên ngoài việc tạo điều kiện cho đoàn viên vay vốn ngân hàng để cải thiện, nâng cao đời sống thì thầy và công đoàn nhà trường đã thống nhất gây quỹ hỗ trợ nhau bằng cách trừ lương 100.000 đồng/giáo viên/tháng. Theo đó, cứ sau 2 tháng sẽ cho một giáo viên vay 30 triệu đồng với lãi suất 0,3% để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, tổng nguồn vốn này đã lên đến trên 143 triệu đồng.

Thầy Trịnh Hoàng Nhân (ngoài cùng bên phải) chia sẻ kinh nghiệm hoạt động công đoàn với các đồng nghiệp.
Thầy Trịnh Hoàng Nhân (ngoài cùng bên phải) chia sẻ kinh nghiệm hoạt động công đoàn với các đồng nghiệp.

Thầy Nhân chia sẻ: “Tổ chức công đoàn không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của NLĐ mà còn phải tạo nên sự đoàn kết tập thể. Do đó, việc hỗ trợ cho các ĐV lúc gặp ốm đau, hoạn nạn vừa tạo sự đoàn kết vừa giúp các thầy cô yên tâm công tác, gắn bó hơn với tổ chức công đoàn”.  Được biết, ngoài chăm lo đời sống vật chất, để nâng cao đời sống tinh thần cho ĐV, NLĐ, hằng năm, vào các ngày lễ, Tết, thầy Nhân cùng công đoàn nhà trường đã tổ chức nhiều chương trình như văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan học tập kinh nghiệm nhằm đem lại niềm vui, sự gắn kết, thấu hiểu nhau của cán bộ, giáo viên trong nhà trường. Song song đó, thầy Nhân luôn tích cực vận động, tổ chức cho các đoàn viên tham gia những phong trào thi đua và các cuộc vận động của ngành. Ghi nhận những đóng góp đó, thầy Nhân đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, công đoàn các cấp và ngành Giáo dục.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.