Phép màu diệu kỳ của tình yêu
15 năm vợ bị tai biến mạch máu não, cũng là ngần ấy thời gian cựu chiến binh Rơ Lan Niên (còn gọi Ra Lan Niên, ở phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) tận tình thuốc thang, chăm sóc bất kể đêm ngày.
Năm 2004, từ một người phụ nữ khỏe mạnh, bà Siu H’Giáp vợ ông bất ngờ bị tai biến mạch máu não. Khi gia đình đưa đến bệnh viên, bà chỉ còn sống thực vật. Còn nước còn tát, ông Rơ Lan Niên tiếp tục chuyển vợ xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) chữa trị. 7 tháng liền ngược xuôi chữa chạy, nhưng sức khỏe của bà chẳng cải thiện, ông bèn xin về nhà.
Từng là bác sĩ quân y, ông chăm sóc bà cẩn thận, khoa học. Quyết tâm cứu vợ bằng mọi giá, ông dành phần lớn thời gian mỗi ngày để vệ sinh thân thể, lật người bà qua lại; xoa bóp, kéo dãn tay chân, rồi thủ thỉ chuyện trò kết hợp thuốc thang đầy đủ. Dù thiếu bàn tay chăm sóc của người phụ nữ nhưng căn nhà nhỏ của vợ chồng ông nằm lọt thỏm giữa khu phố sầm uất vẫn luôn ấm áp, gọn gàng sạch sẽ, đến bữa vẫn có cơm nước tươm tất.
Ông Rơ Lan Niên và vợ Siu H’Giáp. |
Từ ngày vợ đổ bệnh, không ít lần tâm trí ông xáo trộn, nhưng trước mặt bà, ông luôn cố gắng giữ vững tinh thần. Bởi theo ông, mình có vui khỏe thì mới truyền được năng lượng tích cực cho vợ. Mỗi sáng, người đàn ông tuổi ngoài 70 vẫn đều dậy sớm mua đồ ăn bà thích; đi chợ chuẩn bị thực phẩm trưa, tối để nấu nướng phục vụ bà. Rảnh rang, ông tranh thủ tâm tình, chuyện trò cho bà nghe về đời sống, chuyện con cháu.
“Chúng tôi đến bên nhau ban đầu không do tình yêu mà do bố mẹ sắp đặt, vậy mà thời gian trôi tôi nhận ra mình rất thương yêu vợ. Bà ấy rất giỏi, không chỉ trong công việc mà còn cả chăm sóc gia đình. Chồng biền biệt phương xa, một mình bà xoay xở chăm lo nuôi dạy 6 đứa con ”.
Ông Rơ Lan Niên
|
Nhờ liều thuốc tinh thần của ông, sức khỏe bà Siu H’Giáp tiến triển ngoài sức mong đợi. 6 năm sau đó, điều kỳ diệu đã xảy ra, bà đã có thể tự ngồi dậy. Đến năm 2013, bà bắt đầu nói được và có thể di chuyển nếu có người dìu. “Tôi xem đó như là món quà tuyệt vời nhất mà bà ấy dành tặng cho mình. Dù mỗi lần bà nói rất khó, chẳng ai hiểu, nhưng chỉ cần tôi hiểu và đáp ứng mong muốn của bà là đủ rồi”, ông Rơ Lan Niên xúc động.
Nhìn cách ông chăm nom, yêu thương vợ, ít ai biết họ từng đến với nhau do bố mẹ đôi bên sắp đặt từ khi còn nằm… trong bụng. Hai ông bà đều là người dân tộc Jrai, nên theo truyền thống, việc lấy chồng, lấy vợ là do cha mẹ quyết định.
Trước khi về chung một nhà, cả hai (cùng sinh năm 1946) đều xung phong tham gia cách mạng. Ông là bác sĩ của Viện Quân y 211, Mặt trận B3, còn bà là y tá của Trung đoàn vận tải, Mặt trận B3. Ngày hai bên gia đình sắp đặt, chọn thời điểm tổ chức lễ cưới, ông Rơ Lan Niên mới biết mặt vợ lần đầu. Sau hôn lễ chừng một giờ, ông nhận nhiệm vụ ra miền Bắc công tác, còn bà về lại Trung đoàn. Chưa kịp tìm hiểu về nhau, nên suốt một thời gian dài, dù đã nên duyên vợ chồng nhưng họ không gửi một cánh thư tay, hay lời hỏi thăm nào.
Ông Rơ Lan Niên chuẩn bị bữa trưa cho vợ. |
4 năm sau, họ gặp lại nhau, nhưng cuộc gặp gỡ ấy và những lần sau nữa cũng diễn ra khá ngắn ngủi. Ông biền biệt trên chiến trận, còn bà cũng bận rộn chăm sóc sức khỏe cho thương, bệnh binh. Cứ thế, quãng thanh xuân đẹp nhất cả ông và bà đều dành trọn cho Tổ quốc. Mãi đến năm 1984, ông mới có điều kiện ở gần để chăm sóc, quan tâm vợ con…
Giờ đây đã 73 tuổi, ông Rơ Lan Niên mang trong mình nhiều bệnh nhưng vẫn cố gắng chăm nom vợ tốt nhất có thể. Tết Nguyên đán năm 2019, ông bất ngờ bị nhồi máu não, nằm mê man, không thể nói cũng như đi lại. Sau 4 tháng tích cực điều trị, ông mới hồi phục sức khỏe phần nào. Biết không còn đủ sức để lo cho vợ, ông buộc lòng gửi bà lại cho các con. Tuy vậy, người cựu chiến binh vẫn không khỏi lo lắng, bởi “Chúng không hiểu bà ấy bằng tôi đâu. Chỉ cần thiếu cẩn thận chút thôi, bà sẽ rất dễ bị đau trở lại…”.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc