Sẻ chia nỗi đau với nạn nhân chất độc da cam
09:37, 09/08/2019
Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, nhưng nỗi đau da cam/dioxin vẫn dai dẳng hành hạ nhiều nạn nhân chất độc da cam và gia đình, người thân của họ.
Gần 40 năm qua, bà Hoàng Thị Tiến (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) phải nén chặt nỗi đau, cố gắng vững vàng để chăm nom cho cả gia đình với 2 đứa con bị nhiễm chất độc da cam từ bố. Cô con gái đầu Phùng Thị Nguyên (SN 1981) xinh xắn, nhưng khá chậm chạp, bị câm điếc bẩm sinh. Nặng nề nhất là cô con gái thứ ba Phùng Thị Duyên (SN 1991) bị teo tay chân, ngoẹo đầu, thiểu năng trí tuệ…
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và các ban, ngành của huyện Krông Búk thăm, trao quà tặng nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn. Ảnh: K.Oanh |
Bà Tiến cho biết, Duyên ăn uống rất khó nhọc, dễ bị nghẹn nên mỗi bữa phải xay nhỏ thức ăn, rồi bón ăn mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Mỗi lần cho con ăn, bà không kìm được nước mắt khi thấy Duyên nhọc nhằn, vật vã nuốt từng chút. Nhưng như thế vẫn còn đỡ, hôm nào trái gió trở trời, Duyên trở nên cáu bẳn, gào khóc, đập phá đồ đạc khiến cả nhà gần như thức trắng. Nay tuổi đã xế chiều, bà Tiến chỉ ước mong có nhiều sức khỏe để lo lắng, chăm bẵm cho những đứa con thiếu may mắn của mình.
Chất độc da cam ác nghiệt giết dần giết mòn con người không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bà Tô Thị Tình (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột), mà còn gây nên nhiều di chứng cho con trai của bà là anh Võ Phong Minh (SN 1980). Càng lớn, bệnh anh Minh lại càng nặng, tay chân co quắp, teo dần, thể trạng chậm chạp, không thể đi lại. Mọi sinh hoạt của anh chỉ trông chờ vào người thân trong gia đình, nhưng nay, bà Tình đang bị tai biến nặng, phải chuyển vào TP. Hồ Chí Minh theo dõi. Bố anh Minh cũng đang nằm điều trị tại nhà với nhiều căn bệnh khó chữa của tuổi già. Hằng ngày, anh Minh lết ra trước hiên nhà, ngồi co quắp xem em trai và nhóm thợ cơ khí làm việc. Ai tới thăm, hỏi điều gì, anh không thể nói, chỉ biết cười, hoặc lắc, gật đầu…
Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Khánh Xuân thăm hỏi, chuyện trò cùng nạn nhân da cam. |
Câu chuyện về nỗi đau da cam của hai gia đình nói trên chỉ là số ít trong hàng nghìn trường hợp thương tâm mà nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ phải gánh chịu. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, năm 2018, toàn tỉnh có trên 3.300 đối tượng bị phơi nhiễm chất độc da cam. Trong đó có cả người tham gia kháng chiến, dân thường, người thuộc chế độ cũ, đau xót hơn cả là thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba.
“Hiện các cấp Hội vẫn đang nỗ lực vận động sự hỗ trợ để giúp đỡ nhiều hơn nữa cho các nạn nhân chất độc da cam. Trước mắt sẽ phối hợp với Công ty Phương Đông Sài Gòn tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho khoảng 500 nạn nhân ở các huyện Ea Kar, Cư Kuin, Krông Pắc” – Ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh.
|
Ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội cho biết, đa phần đối tượng bị phơi nhiễm chất độc da cam đều thuộc diện khó khăn. Họ vừa gặp khó về kinh tế vừa phải chịu áp lực tinh thần, nên nỗi đau càng nhân lên nhiều lần. Để giúp đỡ, chia sẻ nỗi đau với nạn nhân da cam, hằng năm, các cấp Hội đều tổ chức vận động các nguồn lực nhằm hỗ trợ nhà ở, tặng xe lăn, thăm hỏi tặng quà nhân dịp lễ tết... Riêng dịp Tết Nguyên đán năm nay, các cấp Hội đã phối hợp trao gần 3.900 suất quà tặng các nạn nhân với tổng trị giá khoảng 1 tỷ đồng.
Mới đây nhất, Hội phối hợp hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà ở cho gia đình bà Bùi Thị Long (xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk). Nhân kỷ niệm 58 năm Ngày thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961 – 10-8-2019), lãnh đạo Hội đã đến tận nhà thăm hỏi, động viên, trao quà hỗ trợ các nạn nhân trên địa bàn huyện Ea Kar và huyện M’Đrắk.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc