Multimedia Đọc Báo in

Sẻ chia với người dân vùng khó khăn

09:56, 27/08/2019

Dưới cơn mưa tầm tã, kéo dài, nhiều người dân, học sinh ở xã Yang Reh (huyện Krông Bông) vẫn có mặt từ sớm tại trụ sở UBND xã để dự Chương trình công tác xã hội nhân đạo đến với đồng bào khó khăn do Cụm thi đua số 3 (gồm các quận: 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân) thuộc Hội Chữ thập đỏ TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Gia đình anh Y Hên Bkrông (buôn Cuăh B) là một trong 91 hộ dân được Chương trình tặng bồn chứa nước trong dịp này. Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo tại địa phương, nhiều năm nay vì không có điều kiện để xây bể hay mua bồn chứa nên vẫn múc nước từ giếng lên chứa trong xô, thùng nhựa để dùng. Vào mùa khô, giếng cạn trơ đáy, các thành viên trong gia đình anh phải luân phiên nhau ra suối lấy nước hoặc đi xin nước từ các hộ lân cận về dùng. Cũng như những hộ được tặng bồn chứa nước, cả nhà anh rất vui vì đã có điều kiện tích trữ nước sạch phục vụ sinh hoạt, ăn uống hằng ngày và không lo thiếu nước mỗi khi mùa khô đến.

Các em học sinh nghèo tại xã Yang Reh nhận quà tặng của đoàn từ thiện.
Các em học sinh nghèo tại xã Yang Reh nhận quà tặng của đoàn từ thiện.
 

Với vai trò là “cầu nối”, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục kết nối những tấm lòng thơm thảo của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh để cùng chung tay giúp đỡ, sẻ chia với những khó khăn của người nghèo, người yếu thế, giúp họ có thêm niềm tin, nghị lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống".

 

 
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nguyễn Thị Phi Thảo

Cùng với việc tặng bồn chứa nước cho người dân, đoàn còn tặng quà cho các em học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn xã. Gia đình chị Bùi Thị Hồng Hoa (thôn 1) có lẽ là trường hợp may mắn khi nhận được 2 phiếu tặng đồ dùng học tập cho 2 con gái.

Được biết, thu nhập của gia đình chị Hoa chủ yếu phụ thuộc vào việc đi làm thuê, làm mướn nên việc lo cho con cái ăn học rất khó khăn. Đầu năm học mới này, đang lo không biết xoay đâu ra tiền để mua vở và cặp sách cho con thì nhận được quà từ đoàn từ thiện nên chị rất phấn khởi. Nhờ có những phần quà này mà chị bớt được một phần chi phí mua sắm cho con cũng như có thêm động lực lao động để nuôi dạy các con tốt hơn.

Yang Reh là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 46%. Phần lớn người dân nơi đây sống nhờ vào làm nông nghiệp và làm thuê. Những năm qua, người dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt do nước nhiễm chì, nhiễm phèn và không thể khoan giếng vì tình trạng sụt lún. Đặc biệt vào mùa khô, hầu hết giếng đào đều bị cạn kiệt nước, người dân phải tìm đến các con suối để tắm giặt và xách từng can nước về phục vụ sinh hoạt.

Ông Võ Tấn Trực, Chủ tịch UBND xã Yang Reh cho biết: “Nhiều hộ dân trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện trang bị dụng cụ trữ nước uống, nước sinh hoạt nên việc tặng bồn chứa nước đã kịp thời hỗ trợ người dân chủ động trữ nước dùng trong mùa khô, tiết kiệm được thời gian, công sức khi không còn phải đi xa để lấy nước như trước”.

Người dân xã Yang Reh vui mừng khi được tặng bồn chứa nước.
Người dân xã Yang Reh vui mừng khi được tặng bồn chứa nước.

Theo ông Nguyễn Văn Luân, Cụm trưởng Cụm thi đua số 3, thông qua sự kết nối của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk, biết được đời sống của người dân ở xã Yang Reh còn gặp nhiều khó khăn, Cụm đã tổ chức quyên góp và vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ cho đồng bào, học sinh nghèo hiếu học tại xã Yang Reh.

Sau khi khảo sát nhu cầu thực tế tại đây, Cụm đã quyết định tặng bồn chứa nước cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo, gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn và tặng dụng cụ học tập gồm vở viết và cặp sách cho các em học sinh, với tổng số tiền hơn 220 triệu đồng. Những món quà tuy nhỏ nhưng sẽ là nguồn động viên cho các hộ nghèo từng bước khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống; giúp các em học sinh tiếp tục học tốt.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.