Multimedia Đọc Báo in

Vẫn nhiệt huyết như thời lửa đạn

07:07, 04/08/2019

Ở khu chợ Thanh Bình (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột), hầu như ai cũng biết đến bà Mạc tuổi đã cao vẫn mạnh khỏe, đều đặn bán hàng ở chợ nhưng ít ai biết tuổi trẻ của bà tràn đầy nhiệt huyết khi tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) giữa rừng Trường Sơn.

Rưng rưng thời hoa lửa

Bà Mạc là tên gọi theo chồng, còn tên thật của bà là Trương Thị Nghiên. Năm 1965, khi vừa tròn 18 tuổi, Trương Thị Nghiên tham gia TNXP và được phân công làm nhiệm vụ ở nhiều tỉnh dọc tuyến miền Trung lửa đạn.

Có khá nhiều kỷ niệm mà bà Mạc không thể nhớ hết cùng lúc, nhưng khoảng thời gian nhận nhiệm vụ tại tuyến đường 22 (thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) thì bà không thể nào quên. Giai đoạn cuối năm 1967, bà được giao làm quản lý của Ban Hậu cần thuộc Đại đội 382, Tổng đội TNXP 37. Làm nhiệm vụ giữa thời điểm chiến trường ác liệt, trong bom đạn gầm rít long óc, ken dày nhưng những TNXP tuổi mười tám đôi mươi chưa một lần biết sợ.

Có thời điểm dù đã chiều muộn, nhưng bom địch vẫn dội liên tục khiến Đại đội 382 có tới 15 người hy sinh, trong đó chỉ duy nhất chị Mười được tìm thấy nhưng thi thể cũng đã bị lìa đôi. Còn hài cốt của 14 người khác gần như tan hòa vào đất cát. Tất cả đều còn rất trẻ, chưa ai lập gia đình, thậm chí chưa một lần biết yêu.

Cuộc sống thường ngày của bà Mạc.
Cuộc sống thường ngày của bà Mạc.

Là quản lý của Đại đội, bà Mạc phụ trách việc cơm nước, cân đối ăn uống, chi tiêu của đơn vị. Năm 1967, bà được lệnh ra Vinh (Nghệ An) nhận lương thực. Bà cùng hai đồng đội ngồi xe ben, xuyên đêm băng qua bao bom đạn, rồi phải ở lại Vinh chờ cả tháng trời, nhưng chỉ được nhận 1 xe gạo, bởi lương thực lúc ấy khan hiếm… Cũng trong năm này, địch đánh phá ác liệt, đơn vị không vận chuyển được lương thực nên mồng Một Tết Nguyên đán, mỗi người chỉ được cấp 1 chén cháo trắng, nam có thêm 2 điếu thuốc, còn nữ thì được vài cái kẹo… Kể đến đây, giọng bà Mạc chùng xuống: “Vất vả, gian truân, thậm chí nhiều khi biết cái chết cận kề, nhưng anh chị em vẫn xung phong lên đường thực hiện nhiệm vụ...".

Trọn nghĩa với đồng đội

Gần 20 năm qua, bà Mạc và hàng chục người dân trong xóm vẫn thường xuyên đến Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh để thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ. Bởi từng vào sinh ra tử nên bà luôn trân trọng giá trị của hòa bình, trân trọng sự đóng góp máu xương của các Anh hùng liệt sỹ, luôn xem những liệt sỹ yên nghỉ ở Nghĩa trang như chính người thân của mình nên duy trì thường xuyên việc thắp hương, thờ cúng liệt sỹ.

Bà Mạc (thứ 2, bên phải) cùng các thành viên trong nhóm chuẩn bị hoa tươi đặt lên các phần mộ liệt sỹ.
Bà Mạc (thứ 2, bên phải) cùng các thành viên trong nhóm chuẩn bị hoa tươi đặt lên các phần mộ liệt sỹ.

Mới đầu chỉ có 8 người tham gia, sau đó việc làm ý nghĩa này đã thu hút 60 người dân trong khu vực, từ thân nhân liệt sỹ, cựu TNXP đến giáo viên, nội trợ, tiểu thương… đều tri ân các liệt sỹ với tấm lòng tự nguyện. Mỗi năm 2 đợt, vào ngày mồng 10 Tết Nguyên đán và ngày 25-7 (trước ngày Thương binh – Liệt sỹ), mọi người lại tập trung chuẩn bị đầy đủ bánh trái, làm đồ cúng các anh linh liệt sỹ. Họ cũng luôn có mặt tại lễ viếng, truy điệu, an táng hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia về nước, thành kính tưởng dâng hương hồn liệt sỹ những bông hoa tươi thắm.

Năm 1997, trong một lần đến viếng Nghĩa trang, bà Mạc phát hiện một bia mộ liệt sỹ có tên Trần Sơn Thủy cùng quê mình ở xã Trực Nội (huyện Trực Ninh, Nam Định). Bà liền về quê tìm hiểu thì được biết địa phương không có liệt sỹ nào tên họ như vậy. Tuy lấn cấn trong lòng, không biết hỏi ai, nhưng bà Trực vẫn hương khói, hoa tươi đầy đủ cho mộ liệt sỹ, nhất là dịp lễ, tết.

Năm 2015, bà nhận được tin báo của quản trang có người thân liệt sỹ Trần Sơn Thủy từ Vũng Tàu lên tìm gặp thì mới biết, trước khi nhập ngũ, liệt sỹ Thủy từng là công nhân Nhà máy dệt Nam Định nên giấy báo tử gửi về đó chứ không gửi về địa phương. Năm 2017, khi đại gia đình đến cất bốc hài cốt liệt sỹ Thủy về quê đã mời bà cùng dự và cảm ơn tấm lòng của bà dành cho cha, ông mình.

Ngày Thương binh – Liệt sỹ năm nay, bà Mạc lại cùng mọi người chuẩn bị hương hoa dâng cúng liệt sỹ. Ở độ tuổi ngoài thất thập, lưng đã còng, cuộc sống còn nhiều vất vả mưu sinh, nhưng tấm lòng tri ân bà dành cho anh linh các liệt sỹ vẫn đong đầy như sức trẻ thời thanh niên xung phong giữa mưa bom bão đạn.

Quỳnh Anh

 

 


Ý kiến bạn đọc