Multimedia Đọc Báo in

Cầu nối đến những tấm lòng nhân ái

10:54, 27/09/2019

Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” được Hội Chữ thập đỏ huyện M’Đrắk triển khai từ năm 2008 với phương châm “Mọi người cần trợ giúp đều nhận được sự trợ giúp thích hợp”. Trong những năm qua, phong trào này đã trở thành “cầu nối” đưa những tấm lòng nhân ái đến với những mảnh đời kém may mắn, giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn trong cuộc sống.

Hội Chữ thập đỏ huyện M’Đrắk đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các cấp ủy, ban ngành, đoàn thể tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện triển khai thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Đồng thời, hướng dẫn các cấp Hội triển khai cuộc vận động với những cách làm thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương; rà soát những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phân loại các đối tượng cần giúp đỡ để có hình thức trợ giúp phù hợp với nhu cầu của đối tượng và khả năng của nhà tài trợ; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, qua đó kêu gọi các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia.

Bà Nguyễn Thị Linh  trao số tiền vận động được để  hỗ trợ  ông Y Nha Niê  chữa bệnh.
Bà Nguyễn Thị Linh trao số tiền vận động được để hỗ trợ ông Y Nha Niê chữa bệnh.

Đến nay, sau 10 năm triển khai, Hội Chữ thập đỏ huyện M’Đrắk đã vận động 74 tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhận trợ giúp cho 141 lượt địa chỉ nhân đạo bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ tiền mặt, đồ dùng sinh hoạt, xe đạp, xe lăn cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam… Ngoài việc nhận đỡ đầu hộ nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, trẻ em mồ côi..., Hội Chữ thập đỏ còn duy trì, nhân rộng các mô hình giúp người nghèo hiệu quả, ý nghĩa như: Bếp ăn tình thương của chùa Khánh Sơn, đội cơm Bồ Đề Tâm, nhóm từ thiện “Dĩa cơm trên tường” đã nấu 34.659 suất cơm, cháo từ thiện phát cho bệnh nhân nghèo với tổng trị giá hơn 330 triệu đồng; Dự án “Ngân hàng bò” đã trao tặng 20 con bò cho hộ nghèo không có phương tiện sản xuất hoặc không có nguồn thu nhập ổn định, không có lực lượng lao động.

Nhờ sự hỗ trợ thiết thực này, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đã được trợ giúp kịp thời, vượt lên khó khăn trong cuộc sống. Như cựu chiến binh Y Nha Niê (dân tộc Êđê, ở buôn Ea Lai, xã Krông Jing) bị phát bệnh u não, khối u ngày càng to, gây ra biến chứng khiến hai chân bị liệt không thể đi lại được; trong khi đó, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, con gái bị tàn tật bẩm sinh, nằm một chỗ... Thương xót trước hoàn cảnh đáng thương của ông, từ tháng 7-2018, bà Nguyễn Thị Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Jing đã đứng ra nhận gia đình ông Y Nha Niê là một địa chỉ nhân đạo suốt đời, mỗi tháng hỗ trợ trực tiếp 300.000 đồng nhằm động viên giúp ông Y Nha vượt qua bệnh tật. Không chỉ hỗ trợ từ tiền cá nhân, bà Linh còn kêu gọi cộng đồng ủng hộ giúp đỡ gia đình ông Y Nha. Mới đây, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đã quyên góp được hơn 16 triệu đồng hỗ trợ ông Y Nha chữa bệnh.

Đại diện Cửa hàng Xe máy Trung Thạch 5 chi nhánh huyện M'Đrắk trao hỗ trợ cho hai em mồ côi tại xã Ea M'đoal.
Đại diện Cửa hàng Xe máy Trung Thạch 5 chi nhánh huyện M'Đrắk trao hỗ trợ cho hai em mồ côi tại xã Ea M'đoal.

Hay như trường hợp hai chị em Nguyễn Phạm Như Trinh (sinh năm 2002) và Nguyễn Phạm Tân Tiến (sinh năm 2004) ở thôn 1, xã Ea M'đoal có hoàn cảnh rất đáng thương khi bố mẹ bị bệnh mất sớm, hai em phải sống nhờ người dì ruột cũng có hoàn cảnh khốn khó. Nhằm hỗ trợ hai em mồ côi vượt qua khó khăn, Hội Chữ thập đỏ huyện M’Đrắk đã vận động cửa hàng Xe máy Trung Thạch 5 chi nhánh huyện M'Đrắk chọn hai em là địa chỉ nhân đạo với mức hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng, từ tháng 9-2019 đến năm 2022. Sự hỗ trợ này đã là nguồn động viên rất lớn để Trinh, Tiến vơi bớt khó khăn.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.