Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt

09:02, 12/09/2019

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh việc chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; BHXH một lần; ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tăng dần qua các năm. Phương thức chi trả cho người hưởng được thực hiện bằng nhiều hình thức linh hoạt như thanh toán trực tiếp, thanh toán qua ngân hàng, qua bưu điện. Trong đó, dù tỷ lệ người hưởng nhận tiền qua tài khoản cá nhân hằng năm có tăng song vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với tỷ lệ người nhận bằng tiền mặt.

Năm 2018, có 34.323 người nhận chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân với số tiền khoảng 740.930 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 43,8% trong tổng số người hưởng; tăng 2,8% so với năm 2017. Từ đầu năm 2019 đến ngày 31-8, số người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân là 10.418 người, chiếm 24,2% trong tổng số người hưởng hằng tháng.

Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh.
Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh.

Trong thời gian qua, BHXH tỉnh đã phối hợp với Bưu điện, các ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán công đã tích cực hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN… nhận tiền qua tài khoản cá nhân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chi trả qua tài khoản cá nhân còn gặp nhiều khó khăn, một phần nguyên nhân do tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của đa số người dân còn rất phổ biến nên muốn nhận chế độ trực tiếp bằng tiền mặt. Mặt khác, những người được hưởng chế độ an sinh xã hội đa phần là người lớn tuổi, bệnh tật, neo đơn…, gặp khó khăn khi tiếp cận hệ thống công nghệ hiện đại, không muốn rút tiền tại các máy ATM, sợ những trục trặc về kỹ thuật khi rút tiền.

Bên cạnh đó, công tác quản lý người hưởng qua tài khoản cá nhân cũng gặp khó khăn do không nắm được hết các thông tin của người hưởng trên địa bàn. Số lượng máy ATM của các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động, chưa phân bố đồng đều trên địa bàn, chủ yếu đặt tại trung tâm thành phố và trung tâm các huyện...

Để đẩy mạnh việc chi trả các dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tốt hơn, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 5852/UBND-KGVX ngày 19-7-2019 về việc thực hiện đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ kết nối để thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH theo hướng đa dạng các dịch vụ; tiếp tục phát triển, sắp xếp mạng lưới giao dịch tự động trên địa bàn, tạo thuận lợi cho việc nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN qua tài khoản cá nhân; đồng thời áp dụng các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, thuận lợi cho khách hàng trong việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên theo dõi, đôn đốc BHXH tỉnh phối hợp với các ngân hàng trong việc chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội cho các đối tượng thụ hưởng phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người thụ hưởng; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk tuyên truyền, hướng dẫn người hưởng TCTN nhận trợ cấp qua tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng. Bưu điện tỉnh phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện tốt công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN qua hệ thống ngân hàng; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH bằng tiền mặt tại các điểm chi trả sang hình thức nhận qua tài khoản thẻ. Hướng dẫn người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH cách thức mở, sử dụng tài khoản, sử dụng các phương tiện thanh toán bằng thẻ ATM, lựa chọn ngân hàng phù hợp với điều kiện cá nhân.

UBND tỉnh cũng yêu cầu BHXH tỉnh phối hợp với cơ quan Bưu điện và ngân hàng trên địa bàn tuyên truyền, vận động, khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người thụ hưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của BHXH Việt Nam. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch điện tử, sử dụng chữ ký số trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với ngân hàng, cơ quan bưu điện. Xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm để đạt được chỉ tiêu chi qua tài khoản cá nhân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của BHXH Việt Nam. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn khi giải quyết, thanh toán chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan, đơn vị, người dân địa phương thực hiện tốt việc thanh toán các chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt.

Việc chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mang lại rất nhiều tiện ích cho người hưởng như: tiết kiệm được thời gian, công sức, tránh được rủi ro tiền giả và đặc biệt là bảo đảm an toàn cá nhân, thay đổi dần nhận thức và thói quen sử dụng tiền mặt bằng giao dịch qua ngân hàng. Trên cơ sở đó giúp gia tăng tính minh bạch trong hoạt động kinh tế - xã hội, tiết kiệm một phần chi phí đầu tư xã hội trong giao dịch, vận chuyển và quản lý tiền mặt...

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.