Multimedia Đọc Báo in

Giữ gìn văn hóa từ những chiếc đèn Trung thu truyền thống

14:59, 25/09/2019

Vào mỗi dịp Tết Trung thu, mặc dù trên thị trường xuất hiện nhiều loại đèn trung thu điện tử, đồ chơi ngoại nhập đắt tiền nhưng vẫn còn nhiều người tự làm đèn trung thu truyền thống cho con em mình, với mong muốn giữ gìn nét đẹp Tết Trung thu cổ truyền của dân tộc.

Như thường lệ, ngay từ những ngày đầu tháng 8 âm lịch hằng năm, Chi đoàn Bảo tàng tỉnh đã lên kế hoạch cụ thể cho các hoạt động dịp Tết Trung thu, trong đó có phong trào đoàn viên tự tay làm đèn trung thu cho con em mình. Tranh thủ sau mỗi giờ làm việc, các đoàn viên cùng nhau ngồi lại người cắt, người dán, người vẽ... tạo nên những chiếc lồng đèn xinh xắn, đủ kiểu dáng, hình thù các con vật. Hình ảnh Tết Trung thu một thời xưa cũ với những chiếc đèn ông sao, đèn con gà, con thỏ, con thuyền cùng những cây nến nhỏ nhiều màu sắc… như trở về với mọi người.

Những chiếc đèn lồng truyền thống là món quà ý nghĩa mà các đoàn viên  trong Chi đoàn Bảo tàng tỉnh dành cho các con trong dịp Tết Trung thu.
Những chiếc đèn lồng truyền thống là món quà ý nghĩa mà các đoàn viên trong Chi đoàn Bảo tàng tỉnh dành cho các con trong dịp Tết Trung thu.

Đã qua ba mùa Trung thu tự tay làm đèn cho các con, chị Trần Thị Nguyệt, nhân viên Bảo tàng tỉnh chia sẻ: “Với mình, những chiếc đèn trung thu truyền thống rất đẹp, không những gần gũi với môi trường mà còn an toàn cho sức khỏe của các con. Trung thu năm nào mình cũng cùng các chị em trong cơ quan làm lồng đèn, để các con có những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ và tránh xa tác hại của đồ chơi điện tử. Hai đứa con của mình cũng rất thích khi được mẹ tặng đèn giấy”.

Cũng như Chi đoàn Bảo tàng tỉnh, Tết Trung thu năm nay Huyện Đoàn M’Đrắk tổ chức Hội thi làm lồng đèn trung thu truyền thống. Những chiếc lồng đèn xinh đẹp, rực rỡ với nhiều kiểu dáng, kích cỡ được làm công phu, khéo léo do các em học sinh và thầy cô ở 34 liên đội đến từ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện đã để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc cho các em thiếu nhi cũng như người dân.

 

"Việc làm đèn Trung thu không tốn quá nhiều chi phí, chỉ bỏ chút công sức là sẽ có một chiếc lồng đèn giấy cho các con. Đây không chỉ là một món quà thú vị dịp Tết Trung thu cho các con, mà còn mang thông điệp gửi gắm các bậc phụ huynh hãy lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc".


 
Chị Nguyễn Hồng Tâm, Phó Bí thư Chi đoàn Bảo tàng tỉnh

Theo anh Lê Tuấn Anh, Phó Bí thư Huyện Đoàn M’Đrắk, những chiếc lồng đèn được làm bằng tre và bao bọc bởi các loại giấy màu đỏ, xanh, vàng, tím là hình ảnh không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu. Nhưng thực tế, xã hội ngày nay với sự phát triển của công nghệ đã khiến không ít người lãng quên lồng đèn truyền thống. Đây chính là động lực thôi thúc để Huyện Đoàn tổ chức cuộc thi làm lồng đèn cho các liên đội.

Lần đầu tiên được trải nghiệm các quy trình và tham gia cuộc thi làm lồng đèn trung thu, em Nguyễn Thị Tường Vy, Liên đội trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn tỏ ra hào hứng: “Em cảm thấy rất vui và ý nghĩa khi được cùng các bạn lên ý tưởng, tìm nguyên liệu và trang trí lồng đèn trung thu truyền thống. Qua việc làm lồng đèn đã giúp chúng em hiểu hơn về nét đẹp của Tết Trung thu xưa”.

Những chiếc lồng đèn trung thu đặc sắc tại Hội thi làm lồng đèn do huyện Đoàn M'Đrắk tổ chức.
Những chiếc lồng đèn trung thu đặc sắc tại Hội thi làm lồng đèn do huyện Đoàn M'Đrắk tổ chức.

Tham gia cùng con rước đèn trong đêm trung thu, chị Nguyễn Thị Anh Đào, người dân tổ dân phố 5, thị trấn M’Đrắk tâm sự: “Đã lâu lắm rồi tôi mới được tham gia lễ rước đèn hoành tráng và đẹp thế này. Những chiếc lồng đèn tự làm giúp tôi gợi nhớ lại những kỷ niệm của mình với chiếc lồng đèn ngôi sao năm cánh lúc nhỏ. Đây là hoạt động ý nghĩa, giúp cho các con tôi biết được thế nào là lồng đèn truyền thống và những phong tục trong dịp Tết Trung thu”.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.