Multimedia Đọc Báo in

Trải nghiệm cà phê thú cưng trên cao nguyên

08:52, 28/09/2019

Không gian thưởng thức cà phê Đắk Lắk là một bức tranh đa sắc màu: cà phê nhà sàn, cà phê sách, cà phê sân vườn, cà phê xe bus, cà phê cóc… Và gần đây, mô hình cà phê thú cưng xuất hiện, trở thành điểm hẹn mới của những người yêu động vật.

Trong một lần đi công tác về xã Cư Kbô (huyện Krông Búk), trưa đến, tôi được cán bộ cơ sở mời đi uống cà phê ở một quán rất đặc biệt. Quán nằm trên một triền đồi thoai thoải thuộc thôn Katy 2 (xã Cư Kbô), được bao quanh bởi những cánh rừng cao su, cà phê xanh mướt, có tên gọi là Cà phê thú cưng Alaska Hoàng Gia.

Theo giới thiệu của anh bạn đi cùng thì đây là quán cà phê thú cưng đầu tiên ở huyện Krông Búk, đồng thời cũng là trang trại chó cảnh đầu tiên và lớn nhất huyện. Vừa tới quán, tôi đã cảm nhận được sự khác biệt khi những chú chó Poodle, Fox… chạy ra quấn quýt lấy chân khách. Vào bàn ngồi, đang nhâm nhi ly cà phê sánh đặc do anh chủ quán tự rang xay thì những chú chó tinh nghịch cứ lượn qua lượn lại, thi thoảng khẽ cọ người và ngoạm yêu vào chân tôi như một sự “nịnh nọt” dễ thương, một vài con lại nằm ngủ say một cách ngon lành.

Các bạn trẻ chơi đùa cùng chó cảnh tại khu sân vườn của quán Cà phê Alaska Hoàng Gia  (xã Cư Kbô, huyện Krông Búk).
Các bạn trẻ chơi đùa cùng chó cảnh tại khu sân vườn của quán Cà phê Alaska Hoàng Gia (xã Cư Kbô, huyện Krông Búk).

Được ví là ngôi nhà chung của thú cưng, quán Cà phê thú cưng Alaska Hoàng Gia có diện tích khá rộng và được thiết kế thành từng khu riêng biệt: khu thưởng thức các loại nước uống gồm 2 tầng, ở đây có những chú chó nhỏ như Poodle, Shiba Nhật Bản, Fox… Chúng được đi lại thỏa thích ở tầng dưới của quán và vui đùa với khách; khu sân vườn với những thảm cỏ xanh mướt, trong đó có hơn 20 con Alaska nhỏ xíu gần 3 tháng tuổi với bộ lông dày mượt đang lon ton dạo chơi; khu nuôi nhốt chó gồm hơn 100 con Alaska, Husky, Sammoyed… to lớn được ở trong những chuồng riêng biệt, thi thoảng chúng lại được thả ra khuôn viên khu nuôi nhốt để vận động, chạy bộ cho du khách có thể thỏa thích ngắm và chụp hình.

Anh Hoàng Văn Tiến, chủ quán Cà phê thú cưng Alaska Hoàng Gia tâm sự, xuất phát từ niềm đam mê chó cảnh, sau khi thành lập HTX Chăn nuôi Hoàng Gia, anh đã mở ra quán cà phê thú cưng ngay cạnh HTX với mong muốn đưa chó cảnh đến gần gũi hơn với mọi người. Cũng theo anh, những chú chó ở đây được tắm sấy thường xuyên, tiêm phòng đầy đủ, chăm sóc sức khỏe cẩn thận và có một chế độ ăn tiêu chuẩn để phát triển tốt, ít bệnh tật. Khi đặt chân đến đây, ngoài việc thưởng thức đồ uống, tham quan, chụp hình, vui đùa cùng chó, thực khách còn có thể trao đổi, thảo luận về các loài chó, kỹ thuật nuôi chó... với những người có cùng đam mê hoặc với chính chủ quán. Nhiều người sau khi đến quán cảm thấy thích thú đã tậu ngay một em chó về nuôi.

Ngoài việc thưởng thức đồ uống, thực khách còn có thể trao đổi, thảo luận về kỹ thuật nuôi chó cảnh khi đến quán cà phê thú cưng.
Ngoài việc thưởng thức đồ uống, thực khách còn có thể trao đổi, thảo luận về kỹ thuật nuôi chó cảnh khi đến quán cà phê thú cưng.

Ngay tại TP. Buôn Ma Thuột cũng có một quán cà phê thú cưng khá thú vị. Quán tọa lạc ở đường Y Ngông, do một nhóm bạn trẻ góp vốn mở ra và lấy tên là The Zoo Kafein. Không gian quán với cây xanh, hoa cỏ và các con thú cưng khiến thực khách có thể cảm nhận được sự gần gũi của thiên nhiên. Đến đây, mọi người còn có thể vừa uống cà phê vừa ngắm đàn cá Koi Nhật Bản bơi lội tung tăng quanh mình; vui đùa cùng những chú chó cảnh Bull Pháp, Pomerian, Samoyed đáng yêu; ôm ấp, vuốt ve những bé mèo Golden hiền lành. Tôi chọn cho mình một góc để có thể ngắm nhìn đàn cá Koi đang tung tăng bơi lội, cảm giác dường như mọi mệt mỏi đều tan biến. Vừa nhấm nháp ly cà phê đắng, vừa hòa mình vào thiên nhiên, cảm giác thật khoan khoái.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.