Multimedia Đọc Báo in

Giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe

14:51, 28/10/2019

Mặc dù điều kiện khó khăn, nguồn quỹ hạn chế nhưng nhiều câu lạc bộ (CLB) của người cao tuổi (NCT) huyện Krông Búk vẫn hoạt động hiệu quả, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho hội viên. 

Sau gần một năm triển khai, đến nay CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” ở thôn 9 (xã Pơng Drang) đã có 60 thành viên tham gia, trong đó 40 thành viên trong độ tuổi từ 55 tuổi trở lên và 20 thành viên dưới 55 tuổi. Với phương châm “Sống vui, sống khỏe, sống có ích”, Ban Chủ nhiệm CLB đã xây dựng kế hoạch hoạt động và thành lập nhóm, tổ sinh hoạt phù hợp theo năng khiếu, sở thích và địa bàn sinh sống, gồm: tổ chăm sóc sức khỏe, tổ hỗ trợ kinh tế, tổ thể thao - văn nghệ…

Một buổi sinh hoạt văn nghệ của CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” thôn 9, xã Pơng Drang.
Một buổi sinh hoạt văn nghệ của CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” thôn 9, xã Pơng Drang.

Cụ Nguyễn Thị Thịnh (76 tuổi) thành viên CLB tâm sự: “Trong các buổi sinh hoạt CLB, chúng tôi được cán bộ y tế cung cấp những thông tin, kiến thức bổ ích về chế độ dinh dưỡng, cách phòng chống một số bệnh dễ mắc phải ở tuổi già như: mất ngủ, cao huyết áp, tai biến, tim mạch, cũng như chia sẻ tâm tư, tình cảm trong cuộc sống nên từ khi tham gia CLB tôi thấy tinh thần thoải mái, sức khỏe cải thiện đáng kể”. 

 

Các CLB của người cao tuổi trên địa bàn huyện không chỉ là sân chơi bổ ích, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở phường mà còn là nơi giao lưu, kết nối những người cao tuổi để giúp họ thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống”.

 
Ông Trần Văn Học - Phó Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Krông Búk

Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho các thành viên, CLB còn thành lập đội tình nguyện theo dõi, giúp đỡ những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, nhất là người già neo đơn không nơi nương tựa.

Đơn cử như trường hợp cụ Phạm Thị Sỉu (85 tuổi), do các con đều đi làm ăn xa, cụ phải sống một mình lại mắc bệnh khớp nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu hoàn cảnh của cụ, CLB đã cử các tình nguyện viên thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên tinh thần cụ Sỉu, chăm sóc lúc ốm đau và đưa đi khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện…

Ngoài ra, CLB còn hỗ trợ một số hội viên vươn lên thoát nghèo. Đến nay, các hội viên trong CLB tự nguyện đóng góp quỹ đạt gần 75 triệu đồng, qua đó hỗ trợ cho 13 thành viên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình trong thời gian từ 1 - 3 năm.

Tương tự, CLB “Dưỡng sinh kinh lạc thao” ở xã Ea Ngai được thành lập năm 2014 cũng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thành viên và đem lại hiệu quả cao.

Ông Lê Văn Lợi, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Với 20 động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển được thực hiện thường xuyên vào mỗi buổi sáng đã giúp gần 30 thành viên trong CLB giảm hẳn các triệu chứng đau nhức xương khớp, khó ngủ, mệt mỏi…  Hiện nay, hoạt động của CLB không còn bó hẹp trong phạm vi địa phương mà còn tham gia giao lưu với các CLB ở xã khác trong huyện”.

Tuy được thành lập ở vùng nông thôn nhưng các thành viên trong CLB thường xuyên lên mạng học hỏi thêm các bài tập mới để cùng nhau luyện tập. Ngoài tập tay không, các bài tập dưỡng sinh còn kết hợp thêm các dụng cụ như gậy, quạt…

Một buổi luyện tập của các thành viên câu lạc bộ
Một buổi luyện tập của các thành viên câu lạc bộ "Dưỡng sinh kinh lạc thao" xã Ea Ngai.

Ông Trần Văn Học, Phó Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Krông Búk cho biết, đến nay toàn huyện đã xây dựng được 4 mô hình “Liên thế hệ tự giúp nhau” và 10 CLB “Dưỡng sinh kinh lạc thao”; mỗi CLB có từ 30 đến 60 thành viên tham gia. Với hiệu quả đem lại, thời gian tới Hội Người cao tuổi huyện tiếp tục nhân rộng mô hình ở xã Pơng Drang và Cư Kbô.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.