Lãng phí nhà ở chính sách tại các xã vùng sâu huyện Krông Bông
07:09, 31/10/2019
Trong những năm qua, rất nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách người dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông là Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo các Chương trình 134, 167, nhà Tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết… Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều ngôi nhà sau khi xây dựng người dân chỉ ở được một thời gian rồi bỏ hoang, hoặc sang nhượng cho người khác, gây lãng phí.
Buôn Tơng Rang A (xã Cư Drăm) hiện có nhiều ngôi nhà 134, 167, nhà Tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết bị bỏ hoang hoặc đã được chủ hộ sang nhượng cho người khác. Như gia đình chị H’Loan Êban được hỗ trợ xây dựng một căn nhà Đại đoàn kết vào năm 2008. Sau đó, vợ chồng chị bỏ nhau, chị H’Loan lấy chồng về ở buôn Chàm B. Căn nhà Đại đoàn kết bỏ không đã gần một năm.
Hay gia đình các ông Y Đắk Êban và Y Ni Niê ở sát nhau đều được hỗ trợ xây dựng nhà theo Chương trình 134. Hai ngôi nhà được xây dựng khá chắc chắn. Cơn bão số 12 cuối năm 2017 làm tốc một phần mái nhà song cả hai gia đình đều không sửa lại mà dọn về ở trong ngôi nhà sàn phía sau, bỏ hoang nhà gần 2 năm nay với lý do: không có tiền để sửa!
Hai căn nhà của ông Y Đắk Ê Ban và ông Y Ni Niê ở buôn Tơng Rang A (xã Cư Drăm) bỏ hoang gần 2 năm nay. |
Gia đình bà H’Jú Êban được hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng ngôi nhà Tình thương. Tuy nhiên, bà H’Jú chỉ ở một thời gian thì sang nhượng lại đất và nhà cho người khác với số tiền 35 triệu đồng để lên rẫy ở trong căn nhà tạm lụp xụp với lý do: không có đường đi vào nhà và thích ở trên rẫy để giữ bắp, giữ đậu. Tương tự là trường hợp gia đình chị H’Bloen Niê ở buôn Chàm A cũng được hỗ trợ xây căn nhà Tình thương. Do gia đình có khoản nợ 60 triệu đồng nên năm 2017, chị đã bán nhà và hơn 1.000 m2 đất với giá 180 triệu đồng để trả nợ và quay về ở trong căn nhà tạm.
Trên địa bàn xã Yang Mao cũng có nhiều ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng từ các chương trình của Nhà nước bị bỏ hoang với nhiều nguyên nhân. Là hộ nghèo, thiếu nhà ở nên vào năm 2014 gia đình chị H’Srông Êban ở buôn Hằng Năm được hỗ trợ xây dựng nhà 167. Sau đó, vợ chồng bỏ nhau, con cái về ở với ông bà, căn nhà bỏ hoang. Còn gia đình ông Ama Srê ở buôn Mnang Dơng được hỗ trợ 30 triệu đồng để làm lại căn nhà do nhà sàn bị đổ sau cơn bão số 12 năm 2017. Tuy nhiên, gần một năm nay gia đình ông vẫn ở trong căn lều tạm chỉ rộng hơn 5 m2 bởi số tiền trên ông đã đầu tư làm nơi nhốt bò.
Nhiều ngôi nhà trong các thôn, buôn vùng sâu huyện Krông Bông được xây dựng từ các nguồn hỗ trợ. Tuy nhiên một số gia đình lại bỏ phí, không sử dụng, trong khi vẫn còn hàng trăm gia đình khác thiếu nhà ở hoặc đang phải ở trong những ngôi nhà tạm bợ.
|
Ông Y Ngọc Niê, Trưởng buôn Mnang Dơng nói: “Trong buôn mỗi năm có hơn chục gia đình được Nhà nước hỗ trợ làm nhà ở. Tuy nhiên một số hộ xây nhà xong nhưng không vào ở mà vẫn ở trong những ngôi nhà tạm với nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, nhiều nhà vay tiền ngân hàng để xây nhà nhưng lại không ở, hiện vẫn chưa trả hết nợ, rất lãng phí”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở xã Cư Pui. Như ở buôn Đắk Tuôr đã có 5 ngôi nhà được xây dựng từ các nguồn vốn hỗ trợ bị bỏ hoang: gia đình ông Ama Oay bỏ hoang căn nhà Đại đoàn kết từ năm 2011 khi vợ mất; nhà ông Ama Phú và nhà ông Ama Oát được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ Chương trình 134 và 167 cũng bỏ hoang mấy năm nay.
Gia đình hai mẹ con bà H’Brê Ayun và chị H’Nhai Ayun cùng được hỗ trợ xây dựng hai căn nhà theo Chương trình 134 và 167 nhưng chỉ sử dụng một thời gian thì cả hai gia đình sang nhượng lại cho người khác rồi dọn về ở chung trong một ngôi nhà tạm bợ tại buôn Blắk. Ngôi nhà tạm nay đã xuống cấp trầm trọng nhưng cả hai gia đình đều không còn thuộc diện được xét hỗ trợ làm nhà nữa.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc