Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò xung kích của thanh niên

10:52, 18/10/2019

Với lòng nhiệt huyết, thanh niên trong tỉnh đã phát huy vai trò xung kích, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Một trong những hoạt động bề nổi được các cấp bộ Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) quan tâm, triển khai thực hiện, với các hình thức hoạt động đa dạng là phong trào “Thanh niên xung kích, tình nguyện tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội”. Trong 5 năm qua (2014 - 2019), các cấp hội đã tổ chức 124 đợt khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 35.155 người dân; thăm hỏi người nghèo, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 3 tỷ đồng; trao tặng 16 căn nhà Nhân ái trị giá 800 triệu đồng, 5 km công trình "Thắp sáng đường quê" trị giá 150 triệu đồng; vận động nguồn lực tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng...

Thanh niên tình nguyện giúp người dân xã Hòa An (huyện Krông Pắc) làm rẫy.
Thanh niên tình nguyện giúp người dân xã Hòa An (huyện Krông Pắc) làm rẫy.

Bên cạnh đó, công tác xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng cũng được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia thông qua các chương trình tình nguyện, tháng thanh niên, chiến dịch thanh niên tình nguyện...

Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh cho biết, thời gian qua, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã tạo điều kiện để đội ngũ thầy thuốc trẻ tham gia hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh mong muốn sẽ tiếp tục được đồng hành cùng tổ chức Hội triển khai các hoạt động tình nguyện tại các địa phương, với phương châm “ở đâu có thầy thuốc trẻ, ở đó có hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”.

Để tiếp tục làm tốt công tác tình nguyện chăm sóc sức khỏe cho bà con ở những vùng còn khó khăn, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh sẽ vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ tiền của, thuốc men để tổ chức khám - chữa bệnh, đồng thời vận động hội viên tham gia các hoạt động như: hiến máu nhân đạo, tăng cường hỗ trợ bệnh nhân nghèo tại các cơ sở điều trị...

Thanh niên tình nguyện tham gia dạy trẻ ở xã Hòa An (huyện Krông Pắc) .
Thanh niên tình nguyện tham gia dạy trẻ ở xã Hòa An (huyện Krông Pắc).
 
"Toàn tỉnh hiện có 457.515 thanh niên thuộc 47 dân tộc anh em (chiếm khoảng 24,4% dân số), trong đó hơn 80% là thanh niên nông thôn. Cùng với các hoạt động bề nổi, các cấp bộ Hội chú trọng định hướng tư tưởng cho thanh niên trước những vấn đề mới, phức tạp; tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện tốt cho thanh niên học tập, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp ... ".
 
Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Trần Doãn Tới

Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ sở Hội đa dạng hóa hình thức đoàn kết, tập hợp thanh niên, trong đó chú trọng phát triển tổ chức Hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, thanh niên vùng có đạo.

Anh Nguyễn Quang Trung, Phó Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Buôn Đôn chia sẻ: "Tổ chức Hội thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của Đoàn, luôn chú trọng bồi dưỡng, giới thiệu những hội viên tích cực, có thành tích tốt để tổ chức Đoàn xem xét kết nạp, tạo điều kiện thuận lợi để đông đảo đoàn viên tham gia hoạt động. Tôi mong muốn thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn để triển khai các hoạt động, tạo môi trường hòa đồng, thân thiện cho thanh niên tự tin tham gia; đồng thời có định hướng trong việc giải quyết nhu cầu việc làm của thanh niên nông thôn, hạn chế tình trạng thanh niên đi làm ăn xa dẫn đến khó khăn trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên".

Còn theo chị H’Lứp Mlô, Phó Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, số lượng thanh niên là người có đạo ở địa phương chiếm tỷ lệ rất lớn, nhưng thời gian qua việc thu hút họ tham gia các hoạt động Đoàn - Hội còn hạn chế. Vì vậy, chị mong muốn tổ chức Hội sẽ có nhiều mô hình hay, cách làm phù hợp, hiệu quả để thu hút đông đảo thanh niên người có đạo tham gia hoạt động; đồng thời, quan tâm đến việc phát hiện, bồi dưỡng hạt nhân phong trào cơ sở thành những cán bộ cốt cán, đóng vai trò “cầu nối”, từng bước nâng cao chất lượng công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên vùng đồng bào tôn giáo...

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.