Multimedia Đọc Báo in

"Điểm nóng" về sinh đông con ở Cư Króa

08:51, 07/11/2019

Nhiều năm nay, thôn 7 (xã Cư Króa) là một trong những "điểm nóng” về tình trạng sinh đông con trên địa bàn huyện M’Đrắk. Với quan niệm lạc hậu như “trời sinh voi, trời sinh cỏ” hay “đông con, đông của”, nhiều năm nay cuộc sống của người dân nơi đây vẫn mãi cứ loay hoay trong vòng luẩn quẩn đông con – đói nghèo – thất học.

Cách trung tâm huyện M’Đrắk gần 30 km, thôn 7 hiện có 190 hộ với 1.164 nhân khẩu, 100% dân số là đồng bào dân tộc Hmông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Số hộ sinh con thứ ba trở lên chiếm đến 99%, không ít gia đình có đến 7 - 8 đứa con, số hộ có 5 - 6 con thì rất nhiều. Hầu hết các gia đình đông con cuộc sống đều rất khó khăn.

Mẹ con chị Vàng Thị Pàng.
Mẹ con chị Vàng Thị Pàng.

Gia đình anh Giàng A Lừ (34 tuổi) và chị Thào Thị Vế (30 tuổi) có đến 7 đứa con, đứa lớn nhất năm nay 15 tuổi, đứa nhỏ nhất mới được 1 tuổi. Thu nhập của gia đình có 9 nhân khẩu này chỉ dựa vào 1 ha sắn, 3 sào lúa nước năm được năm mất do không có điều kiện để đầu tư sản xuất. Thu nhập bấp bênh nên thiếu đói quanh năm, đứa con lớn của anh chị đã phải nghỉ học để lao động phụ giúp bố mẹ.

Hay gia đình anh Lý Seo Cầu (35 tuổi) và chị Ma Thị Gió (32 tuổi) cũng là một trong những hộ nghèo, đông con ở thôn. Gia đình anh chị chỉ có 5 sào lúa nước và gần 6 sào sắn không đủ trang trải chi phí cho 7 nhân khẩu. Đứa con lớn của anh Cầu cũng đã phải nghỉ học từ giữa năm lớp 7 để đỡ gánh nặng cho gia đình.

Hoàn cảnh của gia đình chị Vàng Thị Pàng cũng khó khăn không kém. Vợ chồng chị có 4 đứa con, đất đai canh tác ít, lại nhiều năm mất mùa nên vợ chồng chị phải đi làm thuê làm mướn. Cả nhà sống trong ngôi nhà gỗ xiêu vẹo, bên trong không có tài sản gì đáng giá, chỉ có mấy cái nồi và vài bộ quần áo cũ. Chồng chị Pàng là anh Hàng A Chu phải xuống Bình Dương làm thuê, đứa con gái lớn của anh chị là cháu Hàng Thị Chứ (15 tuổi) mặc dù rất thích đi học nhưng cũng phải nghỉ học giữa chừng để phụ mẹ trông em.

Anh Ma Văn Chính, Trưởng thôn 7 cho biết, người dân trong thôn vẫn còn quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, sinh đông con để có người làm… Để hạn chế tình trạng sinh con thứ ba trở lên, thời gian vừa qua, cán bộ dân số xã đã phối hợp với Ban tự quản và cộng tác viên dân số của thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhằm giúp bà con thay đổi nhận thức nhưng hiệu quả vẫn còn thấp bởi quan niệm vốn đã ăn sâu vào tiềm thức từ bao đời nay. Bên cạnh đó, đường sá vào thôn khó khăn cũng là những trở ngại lớn trong công tác tuyên truyền dân số, kế hoạch hóa gia đình. Cuộc sống của bà con trong thôn mãi luẩn quẩn trong đói nghèo, thôn hiện có 97 hộ nghèo, 28 hộ cận nghèo, hầu hết đều rơi vào những gia đình đông con.

Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.