Huyện M'Đrắk: Những chuyển biến trong công tác hòa giải ở cơ sở
Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện M’Đrắk đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn và mở rộng khắp các thôn, xóm, góp phần giải quyết mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp trong nhân dân.
Nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, hằng năm Phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở; chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên.
Huyện cũng đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tổ hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở các xã, phường, thị trấn.
Tổ hòa giải thôn 2 (xã Ea M'doal) tham dự Hội thi Hòa giải viên giỏi huyện M'Đrắk năm 2018. |
Huyện M’Đrắk hiện có 173 tổ hòa giải với 1.062 hòa giải viên; trung bình mỗi tổ hòa giải có từ 5 - 7 thành viên, hầu hết là người có uy tín, người hiểu biết về pháp luật.
Từ đầu năm 2019 đến nay, các tổ hòa giải cơ sở đã thụ lý và tiến hành hòa giải 50 vụ việc, trong đó có 34 vụ việc hòa giải thành (chiếm 68%). Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, ngăn chặn và phòng ngừa kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, giảm bớt các vụ việc phức tạp, giảm khiếu nại, tố cáo, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.
Thôn 2 (xã Ea M’doal) hiện có 105 hộ, trên 500 nhân khẩu; trong đó có 21 hộ nghèo (chiếm 20%), 10 hộ cận nghèo (chiếm gần 10%). Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, trên 50% hộ sản xuất nông nghiệp, đa số người dân từ nhiều tỉnh thành khác nhau đến lập nghiệp, sinh sống. Để xây dựng mối đoàn kết, gắn bó giữa các hộ dân và cộng đồng, tổ hòa giải thôn 2 được thành lập với 5 thành viên là người cao tuổi, cựu chiến binh, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên...
Từ năm 2016 đến 2019, trên địa bàn thôn xảy ra 9 vụ mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp đất đai, lấn chiếm hàng rào, va quẹt giao thông... đều được tổ hòa giải làm “trọng tài” xử lý. Cách giải quyết vụ việc hợp tình, hợp lý đã giúp bà con trong thôn hóa giải được mâu thuẫn. Đầu năm 2019, có một hộ dân thưa kiện về vấn đề đất đai lên UBND xã Ea M’doal, sau khi được tổ hòa giải thôn tận tình phân tích đúng – sai nên gia đình đã rút đơn về, vụ việc được giải quyết ngay tại cơ sở.
Hay tại xã Ea Pil, các tổ hòa giải cụm dân cư 4 thôn khu vực 725 (cũ) gồm các thôn 7, 8, 12, 14 đã phát huy vai trò của mình trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nghĩa trang nhân dân tại địa phương. Cụm dân cư này có 235 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu, trong đó trên 90% là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao. Từ năm 1995, xã Ea Pil đã tiến hành khảo sát quy hoạch nghĩa trang tại khu vực thôn 7 với diện tích khoảng 1 ha; tuy nhiên qua nhiều năm, diện tích này đã bị người dân lấn chiếm.
Năm 2018, trước yêu cầu cấp bách phải xây dựng nghĩa trang nhân dân đạt chuẩn nông thôn mới, tổ hòa giải 4 thôn đã phối hợp với ban tự quản và chính quyền địa phương họp dân, trả lời những vướng mắc, phân tích để người dân hiểu và đồng thuận. Nhờ vậy, đến nay chính quyền địa phương và nhân dân đã thống nhất được vị trí và đang bàn phương án huy động kinh phí để xây dựng nghĩa trang.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc