Multimedia Đọc Báo in

Người cán bộ hội phụ nữ năng động, sáng tạo

09:20, 03/11/2019
Chỉ mới bén duyên với vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) xã Cư Dliê M'nông (huyện Cư M’gar) được hơn 3 năm, nhưng với sự năng động, sáng tạo và tâm huyết với các phong trào của Hội, chị H'Yuôr Kđoh (SN 1982) đã từng bước đưa phong trào của hội phụ nữ xã nhà phát triển, được chị em tin yêu, cấp trên tin tưởng.
 
Sau 5 năm làm cán bộ tổ chức của Đảng ủy xã Cư Dliê M'nông, năm 2016 chị H'Yuôr Kđoh được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã. Nhớ lại những ngày đầu trên cương vị mới, chị H'Yuôr tâm sự, khi nhận nhiệm vụ mới, chị rất bỡ ngỡ vì công tác hội phụ nữ liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
 
Đây cũng là thử thách lớn bởi không chỉ phải giữ vững phong trào của hội không bị “chìm” xuống mà phải phát triển hơn nữa. Đặc biệt, công tác hội phải góp phần giúp cho đời sống chị em được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, trong khi chị còn trẻ và kinh nghiệm về hoạt động hội chưa có nhiều. Không để sự lo lắng, rụt rè làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ, bên cạnh học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, chị thường xuyên xuống thôn, buôn dự sinh hoạt với các chi hội để thêm gần gũi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị em nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc và có phương hướng hoạt động phù hợp.
 
Hội LHPN xã Cư Dliê M'nông hiện có 1.806 hội viên, sinh hoạt ở 16 chi hội, trong đó có 757 hội viên là đồng bào Êđê. Để giúp các chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo và phát huy tinh thần tương thân tương ái trong tổ chức hội, những năm qua, ngoài các phong trào “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tiết kiệm”, chị H'Yuôr còn vận động những hội viên có điều kiện khá tham gia “tổ nhóm làm công” giúp những hội viên nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc khi ốm đau, hoạn nạn. 
 
Chị HYuôr Kđoh, Chủ tịch  Hội LHPN  xã Dliê Mnông.
Chị H'Yuôr Kđoh, Chủ tịch Hội LHPN xã Dliê M'nông.
Nhận thấy trình độ nhận thức của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương trong việc giáo dục con em còn nhiều hạn chế nên thường xuyên xảy ra những tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật đáng tiếc, chị H'Yuôr đã suy nghĩ, tìm cách xây dựng 5 mô hình và 6 câu lạc bộ (CLB) nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp hội viên phụ nữ có kiến thức giáo dục con em và người thân không phạm tội hoạt động hiệu quả.
 
Trong đó phải kể đến mô hình “Phụ nữ bảo vệ an ninh trật tự”, “Tổ phụ nữ tự quản” ở buôn Phơng, hay các CLB “Phòng chống bạo lực học đường” tại buôn B’Ráh; “Kết nối bố mẹ và con”, “Phụ nữ khỏe đẹp” ở buôn Đrao; “Tiếng kẻng an ninh” ở thôn 3… Để xây dựng thành công những mô hình, CLB này chị H'Yuôr đã nghiên cứu kỹ các tài liệu như: Luật Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Kỹ năng sống của phụ nữ... rồi thực hiện tuyên truyền bằng tiếng Êđê để chị em dân tộc thiểu số dễ tiếp cận hơn. Bên cạnh đó, chị còn thường xuyên thay đổi cách thức, nội dung của những buổi sinh hoạt các mô hình, CLB như: hội thi sân khấu hóa, hái hoa dân chủ, văn nghệ, nói chuyện chuyên đề...
 
Thông qua những mô hình, CLB này đã thu hút nhiều hội viên tham gia và trợ giúp được 16 trường hợp bị bạo lực gia đình, tư vấn thành công cho 24 hội viên phụ nữ về lĩnh vực hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai… Cũng từ đó, tình trạng trẻ vị thành niên ở các buôn vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội giảm rõ rệt.
 
Ông Nguyễn Sỹ Kiêm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Dliê M'nông đánh giá, tuy chỉ mới làm công tác hội phụ nữ, nhưng chị H'Yuôr đã phát huy được năng lực sáng tạo, sự nhiệt huyết, không ngừng phấn đấu và cống hiến cho phong trào phụ nữ của xã. Chị xứng đáng là một tấm gương điển hình tiêu biểu trong phong trào phụ nữ và nhiệm vụ công tác hội.
 
Với những đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ và công tác hội ở Cư Dliê M'nông, 3 năm liền Hội LHPN xã luôn xếp loại vững mạnh xuất sắc, được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Bản thân chị H'Yuôr nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Hội LHPN các cấp và mới đây chị được Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen là phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới.
 
Thúy An
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.