Ấm áp bếp ăn tình thương của chùa Phước Vân
Đã thành thông lệ, cứ sáng thứ tư và thứ năm hằng tuần, các thành viên của Bếp ăn tình thương chùa Phước Vân (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) lại thay phiên nhau đi chợ mua thực phẩm, nấu ăn và phát cơm cho bệnh nhân nghèo đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông.
Bếp ăn tình thương chùa Phước Vân được nhen nhóm từ cuối năm 2016, đến tháng 5-2017 mới chính thức hoạt động và thu hút sự tham gia đông đảo của các phật tử tại địa phương. Thấu hiểu những nỗi khó khăn, vất vả mà những người bệnh phải trải qua và mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình, giúp họ vượt qua bệnh tật, các thành viên trong nhóm đã tự tay đóng góp tiền, góp sức để chuẩn bị và trực tiếp mang những suất cháo, suất cơm đến với người bệnh.
Ban đầu nhóm chỉ thực hiện nấu cháo vào buổi sáng thứ tư, từ tháng 9-2018, nhóm triển khai thêm nấu cơm phát cho bệnh nhân nghèo vào trưa thứ năm hằng tuần. Đến nay, thường xuyên có hơn 20 phật tử tham gia duy trì và phát triển bếp ăn tình thương ngày một quy mô hơn.
Các thành viên tại Bếp ăn tình thương chuẩn bị những suất cơm cho bệnh nhân nghèo. |
Để có được một bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các thành viên bếp ăn phải chuẩn bị nguyên liệu từ sáng sớm, trực tiếp đi chợ, nhặt rau, cắt, gọt củ quả... Trung bình mỗi tuần bếp ăn chi ra số tiền 600.000 đồng để nấu 100 suất cháo ăn sáng và 700.000 đồng để nấu khoảng 70 suất cơm trưa. Tính từ khi thành lập đến nay, nhóm đã nấu khoảng 10.000 suất cháo sáng và 3.500 suất cơm trưa, tổng kinh phí đã thực hiện là hơn 100 triệu đồng từ sự đóng góp của các phật tử của chùa Phước Vân cũng như sự tài trợ của các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh.
Ngoài việc san sẻ yêu thương cho bệnh nhân nghèo, đây còn là hoạt động ý nghĩa và thiết thực để gắn kết cộng đồng. Cùng một ý nghĩ trong hành động nên hơn 20 thành viên trở nên gần gũi, cùng nhau nấu cơm, nấu cháo rồi mang những suất ăn tình thương ấy đến cho các bệnh nhân. Bà Nguyễn Thị Chung, thành viên của nhóm bếp ăn tình thương tại chùa Phước Vân chia sẻ: “Được tự tay nấu những bữa ăn giúp đỡ bệnh nhân nghèo cũng như nhận lại sự biết ơn của những người được giúp đỡ đã tạo nhiều động lực để chúng tôi tiếp tục quyết tâm duy trì lâu dài và có hiệu quả hoạt động thiết thực này".
Những suất cháo, suất cơm tuy nhỏ nhưng đã góp phần giúp hàng nghìn người bệnh vơi bớt khó khăn trong thời gian điều trị tại bệnh viện. Bà Lương Thị Ít (ở thôn Dhung Knung, xã Cư Pui, huyện Krông Bông), bệnh nhân điều trị tại bệnh viện xúc động: "Những suất cháo, suất cơm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn với những người đang điều trị lâu dài tại bệnh viện, không chỉ giảm một phần chi phí trong thời gian nằm viện mà còn động viên tinh thần, mang lại những tình cảm ấm áp để chúng tôi vượt qua bệnh tật".
Vàng A Hiệp
Ý kiến bạn đọc