Bảo hiểm y tế: Sẻ chia gánh nặng cho người bệnh
Trong cuộc sống, không ai lường trước được chuyện rủi ro, bệnh tật có thể xảy ra lúc nào, do đó, những chiếc thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không chỉ được xem là chiếc “phao cứu sinh”, “bùa hộ mệnh” mỗi người nên tự trang bị cho mình mà còn là nhu cầu thiết yếu, nhất là với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.
Như trường hợp của chị Phan Thị Thu Thảo (công nhân Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đô thị và Môi trường tỉnh), tháng 8-2018, khi đang làm công việc quét rác ban đêm thì chị bị tai nạn dẫn đến đứt dây chằng phải nằm viện điều trị với số tiền viện phí lên đến hàng chục triệu đồng. Tuy tiền lương công nhân ít ỏi hằng tháng chưa đủ trang trải chi phí sinh hoạt và lo cho các con ăn học, nhưng nhờ có thẻ BHYT nên chị đã phần nào đỡ gánh nặng tiền viện phí.
Người dân đến khám chữa bệnh theo diện BHYT tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắc. |
Tương tự, cô Nguyễn Thị Thọ (giáo viên Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, thị xã Buôn Hồ), hơn 16 năm mang căn bệnh hiểm nghèo lupus ban đỏ, đã qua 3 lần mổ thay khớp háng và khớp gối với tổng số tiền lên đến gần 200 triệu đồng, đó là chưa kể đến hàng chục lần đi khám và những lần đi cắt các khớp ngón tay, tiền thuốc men… Cô xúc động chia sẻ, với chừng đó năm mang trong mình căn bệnh này và chi phí khám chữa bệnh tốn kém như vậy mà nguồn thu nhập chỉ phụ thuộc vào đồng lương giáo viên ít ỏi, nếu không có sự hỗ trợ chi trả của Quỹ BHYT thì có lẽ cô đã không gắng gượng được đến ngày hôm nay.
Ngoài trường hợp của chị Thảo, cô Thọ, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều bệnh nhân trong quá trình điều trị đã được Quỹ BHYT chi trả số tiền từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Có được tấm thẻ BHYT trong tay, khi bị bệnh dù nặng hay nhẹ, người dân cũng yên tâm hơn rất nhiều bởi sự hỗ trợ, chi trả phần lớn từ Quỹ BHYT. Điều đó càng khẳng định, BHYT chính là giải pháp hữu hiệu để giảm bớt gánh nặng về kinh tế, nhất là đối với những trường hợp thuộc diện hộ nghèo khi bị bệnh, hay những bệnh nặng như suy thận mãn, bệnh tim, ung thư… có chi phí điều trị cao, thời gian điều trị kéo dài. Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn tỉnh có gần 2,9 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với số tiền khoảng 1.230 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có 1.631.000 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 87,3% dân số. |
Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ mức đóng BHYT cho từng nhóm đối tượng. Cụ thể: hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho đối tượng thuộc diện người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, lực lượng vũ trang, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ 70% mức đóng BHYT đối với người thuộc gia đình cận nghèo. Đối với những người dân không thuộc 2 nhóm đối tượng nêu trên phải đóng 100% mua thẻ BHYT thì mức đóng giảm dần từ thành viên thứ 2 (người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất, 60% đối với người thứ 3, 50% đối với người thứ 4 và 40% đối với người thứ 5 trở đi). Cùng với đó, thời gian qua, ngành bảo hiểm đã phối hợp với ngành y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Người dân đến khám và điều trị BHYT tại Bệnh viên Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột. |
Có thể nói, tham gia BHYT vừa là quyền lợi cũng vừa là trách nhiệm, vì lợi ích của bản thân, gia đình và cộng đồng. Biết rằng, khi mua bảo hiểm không ai mong muốn bản thân bị ốm đau, bệnh tật để hưởng lợi nhưng không vì thế mà BHYT giảm mất ý nghĩa, vai trò của nó. Khi chúng ta khỏe mạnh thì hãy vui mừng vì mình không có bệnh, còn số tiền đóng bảo hiểm đó sẽ được chi trả cho những người không may bị bệnh phải điều trị. Và ngược lại, khi chúng ta bị bệnh chắc chắn cũng sẽ vơi bớt gánh nặng chi phí chữa trị từ sự đóng góp của cộng đồng.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc