Cựu chiến binh giúp dân làm cầu
Phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, các hội viên cựu chiến binh (CCB) thôn Thanh Sơn, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) đã đứng ra huy động nhân dân đóng góp xây dựng cây cầu dân sinh bắc qua suối Ea Rớt, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân trên địa bàn.
Thanh Sơn là thôn đặc biệt khó khăn, cách trung tâm xã Vụ Bổn 11 km nên mọi sinh hoạt của người dân chủ yếu là ở trung tâm xã Ea Ô (huyện Ea Kar), cách thôn khoảng 4 km. Để đến được xã Ea Ô, trước đây người dân đã làm một cây cầu tạm bằng gỗ hoặc tre nứa bắc qua suối Ea Rớt. Hằng năm, vào mùa mưa lũ, mực nước suối dâng cao lại cuốn trôi cầu, nhân dân phải làm đi làm lại rất nhiều lần.
Trước tình trạng mọi hoạt động của người dân phải tạm dừng, học sinh phải nghỉ học vì không có cầu qua suối mỗi khi mưa lũ về, CCB Hoàng Văn Viên và Lã Văn Xướng (Chi hội CCB thôn Thanh Sơn) đã nảy sinh ý tưởng và báo cáo với Chi hội CCB thôn huy động mọi người đóng góp làm một cây cầu kiên cố hơn.
Ông Viên và ông Xướng tiến hành khảo sát thực địa, mày mò tìm hiểu thêm thông tin, kinh nghiệm làm cầu trên mạng Internet để đo đạc, thiết kế, dự trù kinh phí... Khi có số liệu cụ thể, chi hội CCB thôn báo cáo với chi bộ, ban tự quản thôn xin chủ trương tổ chức họp dân tuyên truyền, vận động đóng góp kinh phí, ngày công làm cầu. Sau 4 cuộc họp, bàn bạc, thảo luận công khai, dân chủ, người dân đã đồng thuận đóng góp mỗi hộ 300.000 đồng và 1 ngày công. Những hộ có đất xâm canh trong khu vực cũng tự nguyện đóng góp tiền và hiến đất mở rộng lối đi.
Nhờ có cầu nên các em học sinh không còn phải nghỉ học mỗi khi mưa lũ. |
“Quy mô xây dựng cây cầu tuy không lớn nhưng có tính sáng tạo cao, thể hiện uy tín, tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm của Chi hội CCB thôn Thanh Sơn”.
Chủ tịch Hội CCB huyện Krông Pắc Nguyễn Thái Quý
|
Ông Lã Văn Xướng cho biết, do đời sống của người dân còn khó khăn nên không thể đóng đủ tiền cùng một lúc. Vì vậy, ban tự quản thôn thu tiền được đến đâu, hội viên CCB lại tổ chức làm đến đó.
Việc thu, chi mua vật liệu, thi công từng hạng mục đều được ban tự quản và nhân dân giám sát, các hội viên CCB đóng góp ý kiến. Những phần như chiều cao mố cầu, mặt cầu, lan can hay tăng thêm phần bê tông cho chân cầu thì vừa thi công vừa điều chỉnh để chịu được áp lực nước lũ những năm cao nhất, giúp tăng tuổi thọ cho cây cầu.
Sau hơn 1 tháng tích cực triển khai xây dựng với với trên 100 công lao động của hội viên CCB và nhân dân trong thôn, cây cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 3-2017 đến nay với tổng chi phí 40 triệu đồng. Cây cầu có chiều dài 20 m, rộng 1,5 m, cao 6 m (cao hơn đỉnh lũ hằng năm). Trụ cầu bằng bê tông cốt thép, mặt cầu bằng các tấm bê tông đổ rời có cốt thép nên chịu lực tốt hơn.
Từ khi có cầu bắc qua suối Ea Rớt, việc đi lại của người dân an toàn, thuận lợi hơn. |
Chị Vương Thị Hương ở thôn Thanh Sơn cho hay: "Người dân trong thôn thường gọi đây là cây cầu “nghĩa tình” CCB, bởi nếu không có sự xông xáo, nhiệt tình của các CCB thì không thể xây dựng được. Từ khi có cây cầu mới bắc qua suối Ea Rớt, người và xe máy đi lại thuận tiện và an toàn hơn trước rất nhiều. Việc mua bán, trao đổi hàng hóa và làm rẫy bên kia suối Ea Rớt của người dân cũng dễ dàng hơn".
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc