Multimedia Đọc Báo in

Điện về vùng sâu

08:28, 26/12/2019

Đưa điện lưới quốc gia tới các vùng sâu, vùng xa, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu mà Dự án Cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2015-2020 (Dự án) hướng tới.

Đổi thay nhờ điện

Di cư từ Hà Giang vào sinh sống tại thôn Ea Bar, xã Cư Pui, huyện Krông Bông từ năm 1996, cuộc sống của những người H’mông nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Khi được kéo điện từ Dự án vào năm 2018, cuộc sống của người dân đã khởi sắc.

Chị Sùng Thị Bầu, một người dân trong thôn phấn khởi chia sẻ: “Có điện, gia đình mình đã mua ti vi, quạt điện và đầu tư thêm tủ lạnh để vừa phục vụ gia đình vừa buôn bán tạp hóa. Để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, mình còn mua cả máy may công nghiệp về nhận may đồ tại nhà, nhờ đó kinh tế dần ổn định hơn…”.

Ông Sùng Minh Sơn, Trưởng thôn Ea Bar cho biết, trong thôn hiện có 270 hộ, 1.639 khẩu. Trước kia chưa có điện, nhà nào có điều kiện mới mua được bình ắc quy để thắp sáng không thì đêm về cả thôn chỉ le lói ánh đèn dầu. Giờ đây, các hộ dân không những có điện để thắp sáng mà còn mua sắm được nhiều thiết bị điện khác để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

  Công nhân Điện lực kiểm tra hệ thống chiếu sáng của  nhà ông  A Ziên  ở buôn Xê Đăng, huyện  Cư M’gar.
Công nhân Điện lực kiểm tra hệ thống chiếu sáng của nhà ông A Ziên ở buôn Xê Đăng, huyện Cư M’gar.

Buôn đặc biệt khó khăn của huyện Cư M’gar là buôn Xê Đăng, xã Ea Kuêh cũng được kéo điện từ đầu năm 2018. Toàn buôn hiện có 129 hộ, 494 khẩu, chủ yếu là người Xê Đăng và Dao. Trước kia, không có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất nên cuộc sống của người dân rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm tới gần 77% (năm 2017 có 99 hộ nghèo, cận nghèo). Trưởng buôn Xê Đăng Triệu Dương Thế cho hay, từ khi có điện lưới về tận nhà, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo năm 2018 giảm còn 84 hộ, thu nhập của người dân cũng tăng đáng kể.

Ông A Ziên (dân tộc Xê Đăng) ở buôn Xê Đăng kể lại, khi điện lưới được kéo về, ông đã đầu tư ngay một cái máy bơm nước để phục vụ tưới tiêu cho cây trồng và lắp bóng đèn chiếu sáng cho các con học hành. Đây chính là nhu cầu cấp thiết và cũng là niềm mong mỏi bao năm của không chỉ riêng ông mà cả buôn Xê Đăng.

Bừng sáng thôn, buôn

Theo Phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương), mục tiêu của Dự án là xây dựng hệ thống lưới điện đến 36 thôn, buôn của 23 xã thuộc 12 huyện, thành phố của tỉnh với tổng mức đầu tư là 161 tỷ đồng, trong đó có 140 tỷ đồng do ngân sách trung ương hỗ trợ, còn lại là từ ngân sách địa phương.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 do Sở Công thương làm chủ đầu tư sẽ xây dựng lưới điện cho 27 thôn, buôn của 18 xã thuộc 11 huyện, thành phố với tổng số 44.458 m đường dây và 2.786 hộ được cấp điện; giai đoạn 2 do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư sẽ xây dựng lưới điện cho 9 thôn, buôn của 5 xã thuộc 4 huyện, thành phố với tổng số 10.300 m đường dây và 615 hộ được cấp điện.

Tính đến nay, giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành, điều đó cũng đồng nghĩa với việc 27 thôn, buôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn đã bừng sáng ánh điện.

Ông Phạm Thái, Giám đốc Sở Công thương cho biết, từ sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là việc hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án đã giúp cho tỷ lệ số thôn, buôn có điện trên địa bàn tỉnh và số hộ được dùng điện tăng lên khoảng 98,5%.

Nhờ có điện, người dân đã có cơ hội thay đổi cơ cấu cây trồng và quy mô, tập quán canh tác, từ đó tăng được năng suất, nâng cao thu nhập. Các phương tiện nghe nhìn được sử dụng ngày càng phổ biến trong mỗi gia đình nông dân đã cải thiện đời sống văn hóa, nâng cao dân trí, đem lại những lợi ích cơ bản và lâu dài cho các địa phương, làm cơ sở xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hiện nay các ban, ngành đang tiến hành thủ tục đầu tư giai đoạn 2, của Dự án và triển khai thực hiện Tiểu dự án Cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2018-2020 do nguồn vốn EU tài trợ nhằm hướng đến mục tiêu đến năm 2020, số thôn, buôn có điện trên địa bàn đạt 99,5 %, số hộ được dùng điện là 99,6%.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.