Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Đưa chính sách BHYT đến với mọi nhà

08:51, 31/12/2020

Khi cậu con trai thứ 2 bị tai nạn giao thông nghiêm trọng phải nhập viện cấp cứu và trải qua mấy lần phẫu thuật, vợ chồng bà Hoàng Thị Bê (ở tổ dân phố 5, thị trấn Quảng Phú) mới thấy rõ được giá trị của tấm thẻ BHYT.

Bà Bê chia sẻ: “Năm ấy, nếu không có BHYT chi trả chi phí chữa trị hàng trăm triệu đồng thì gia đình tôi chắc chắn rơi vào túng quẫn. Giữa cơn hoạn nạn, tôi càng thấm thía được giá trị thiết thực của BHYT. Từ đó đến nay, tôi vẫn duy trì đều đặn việc tham gia BHYT tự nguyện hằng năm cho các con với mong muốn đóng góp một chút chi phí nhỏ bé để chia sẻ với những người bệnh khác, nhất là người bệnh nghèo giống như mọi người đã từng chia sẻ với gia đình tôi thông qua quỹ BHYT”.

Không chỉ riêng gia đình bà Hoàng Thị Bê, nhắc về lợi ích của BHYT, hầu như ai cũng thấy rõ, bởi nó không chỉ giúp giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho đối tượng tham gia, mà còn nêu cao đạo lý truyền thống của dân tộc “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Với giá trị nhân văn đó, để người dân trên địa bàn huyện tiếp cận với lợi ích BHYT mang lại, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Cư M’gar đã tăng cường phối hợp với các cơ sở y tế, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHYT bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng địa phương, đối tượng và thu được nhiều kết quả thiết thực.

Ông Trần Ngọc Quảng, Giám đốc BHXH huyện Cư M’gar cho biết: “Ngay từ đầu năm, đơn vị đã kịp thời tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn, các đơn vị để phối hợp với BHXH huyện thực hiện phát triển BHYT hiệu quả. Qua chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, tất cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện, các hội, đoàn thể, cơ quan, ban ngành đã cùng vào cuộc triển khai công tác BHYT toàn dân. Nhờ vậy, năm 2019, đơn vị đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh giao với tỷ lệ bao phủ BHYT trên 85% dân số”.

Cán bộ Bưu điện huyện Cư M'gar tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về chính sách BHYT.
Cán bộ Bưu điện huyện Cư M'gar tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về chính sách BHYT.
 

“Nhờ việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở, người dân được đối thoại trực tiếp với cơ quan BHXH và Bưu điện về các chính sách liên quan đến BHYT, từ năm 2018 đến nay, bình quân mỗi tháng, các đại lý của Bưu điện đều phát triển được từ 30 - 40 thẻ BHYT mới”.

 
 
Ông Trương Văn Thành, Giám đốc Bưu điện huyện Cư M’gar

Để công tác BHYT tiếp tục phát triển, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, BHXH huyện Cư M’gar đã đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHYT bằng nhiều hình thức cả trực tiếp và gián tiếp để mọi người dân hiểu rõ hơn về các quy định liên quan của Nhà nước; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHYT tại địa phương; cải tiến nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa”; phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và 17 trạm y tế xã, thị trấn thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh BHYT, thường xuyên cắt cử cán bộ giám định, túc trực thường xuyên tại cơ sở khám chữa bệnh để tư vấn, hướng dẫn, tuyên truyền vận động nhân dân và giám sát, bảo đảm cho người tham gia được thụ hưởng quyền lợi khám chữa bệnh đầy đủ, kịp thời.

Một trong những “cầu nối” giúp chính sách BHYT đến với người dân trên địa bàn phải kể đến là sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH Cư M’gar với Bưu điện huyện. Trong năm 2019, BHXH huyện đã ký hợp đồng với Bưu điện huyện mở rộng trên 20 đại lý với 150 nhân viên đại lý thu BHYT. Các đại lý này đã chủ động bám sát địa bàn, nắm chắc đối tượng, trực tiếp xuống từng hộ dân để vận động tham gia BHYT.

Mặc dù đã đạt được những kết quả không nhỏ trong công tác phát triển BHYT, song để duy trì bền vững đối tượng tham gia BHYT, hướng tới BHYT toàn dân trên địa bàn huyện Cư M’gar, giai đoạn tới ngành BHXH phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Nguyên nhân là do tỷ lệ bao phủ BHYT hiện tại tuy đạt mức cao nhưng chủ yếu rơi vào các nhóm được ngân sách đóng hoặc hỗ trợ mức đóng như hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Điều này có nghĩa là khi có thay đổi về chính sách sẽ kéo theo sự biến động về tỷ lệ người tham gia BHYT theo hướng giảm xuống.

Bên cạnh đó, đối với nhóm BHYT tham gia theo hộ gia đình, trong đó đa phần là lao động phi chính thức, lao động tự do, nông dân với mức thu nhập thấp, không ổn định, khi giải bài toán tăng mức đóng để cân đối quỹ BHYT với lộ trình tăng mệnh giá thẻ BHYT hằng năm sẽ là một thách thức không nhỏ đến việc vận động người dân tham gia BHYT.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.