Multimedia Đọc Báo in

Khổ vì sinh đông con

08:25, 26/12/2019

Tình trạng sinh đông con và sinh dày hiện vẫn xảy ra ở tất cả các thôn, buôn của xã Ea Rbin (huyện Lắk). Hằng năm, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên địa bàn xã chiếm hơn 20% tổng số trẻ em được sinh ra.

Riêng năm 2019, toàn xã có 11 trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên (chiếm hơn 24% tổng số trẻ sinh ra). Nguyên nhân chính của tình trạng sinh đông con là do trình độ dân trí thấp, việc chấp hành chính sách dân số còn hạn chế, nhiều người vẫn không hợp tác khi cán bộ dân số đến tư vấn, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

Đặc biệt, những quan niệm cổ hủ: “Sinh đông con cho vui cửa, vui nhà”, hay “sinh nhiều con để có người lao động làm ra nhiều của cải”... vẫn khá phổ biến. Song, của cải đâu chưa thấy mà hiện nay cuộc sống nhiều gia đình vẫn luẩn quẩn với cái nghèo, trẻ em suy dinh dưỡng và phải bỏ học sớm... Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã Ea Rbin chiếm hơn 50%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng chiếm hơn 22%, chất lượng dân số thấp.

Anh Ngô Văn Lầu và những đứa con của mình.
Anh Ngô Văn Lầu và những đứa con của mình.

Điển hình như gia đình chị Dương Thị Xùa ở buôn Plao Siêng có đến 5 người con: đứa đầu 8 tuổi, còn đứa nhỏ nhất mới được 4 tháng tuổi. Trung bình cứ một năm rưỡi chị Xùa lại sinh một đứa con. Có khả năng số con của vợ chồng chị chưa dừng lại ở số 5 vì họ vẫn chưa sử dụng biện pháp tránh thai nào. Do đông con nên hằng ngày vợ chồng chị cũng phải “oằn mình” lao động để nuôi con và trang trải cuộc sống.

Gần nhà chị Xùa có vợ chồng anh Ngô Văn Lầu (34 tuổi) và chị Hoàng Thị Nãi (33 tuổi) cũng đã sinh đến 4 người con (gồm 2 trai và 2 gái). Điều đáng nói là, mặc dù có "đủ nếp đủ tẻ” như mong muốn ban đầu nhưng họ vẫn chưa thực hiện KHHGĐ. Gia đình anh Lầu đang sống trong ngôi nhà tuềnh toàng, chật hẹp được dựng lên bằng những miếng gỗ tạp và lợp tôn cũ kỹ; nền nhà bằng đất.

Cuộc sống của cả gia đình chỉ trông vào vài sào đất đồi khô cằn trồng sắn. Ngoài những ngày mùa, anh Lầu còn phải đi làm thuê đủ mọi việc như: bốc vác, phun thuốc, bón phân... để trang trải chi phí. Do làm lụng cực nhọc lại không đủ ăn nên anh Lầu ngày càng gầy ốm; còn chị Nãi mới sinh con được 2 tháng tuổi cũng phải ra đồng làm thuê. Tội nghiệp nhất là những đứa trẻ trong gia đình này luôn phải sống trong cảnh thiếu thốn về cái ăn lẫn cái mặc. 

Chị H’Nun Ktla, cán bộ dân số xã Ea Rbin (bìa phải) vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Chị H’Nun Ktla, cán bộ dân số xã Ea Rbin (bìa phải) vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Chị H’Nun Ktla, Phó Trưởng Ban Dân số-KHHGĐ xã Ea Rbin cho biết, thời gian qua Ban Dân số đã phối hợp với các đoàn thể, ban tự quản thôn, buôn tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dân số, Luật Hôn nhân và Gia đình cho người dân. Đồng thời, cán bộ dân số thường xuyên đến trực tiếp hộ gia đình để phân tích hệ lụy của tảo hôn và sinh đông con; tư vấn và cung cấp phương tiện tránh thai cho các cặp vợ chồng có nhu cầu. Tuy vậy, nhận thức của người dân về KHHGĐ vẫn chưa được cải thiện là bao. Hiện nay, toàn xã có 620 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng nhưng có khoảng 40% trong số đó chưa sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, nhiều trường hợp đã sinh 2, 3 người con....

Thảo Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.