Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH: Những chuyển biến tích cực

08:38, 24/12/2019

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét từ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đến nhận thức của người dân...

Nghị quyết 28-NQ/TW ra đời với mục tiêu cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới BHXH toàn dân. Nghị quyết này nhấn mạnh các nội dung cải cách: Thiết lập cơ sở pháp lý để mở rộng diện bao phủ hướng tới BHXH toàn dân; xây dựng hệ thống BHXH đa tầng (trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH cơ bản, bảo hiểm hưu trí bổ sung); cải cách hệ thống chính sách theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Cùng với đó là mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác (chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH; điều chỉnh tỷ lệ tích lũy để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cán bộ phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) tìm hiểu về chính sách BHXH.
Cán bộ phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) tìm hiểu về chính sách BHXH.

Ngay sau khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW, với chức năng là cơ quan thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại địa phương, BHXH tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện với mục tiêu, nhiệm vụ sát với thực tế địa phương.

Ông Trương Văn Sáng, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Năm 2019 được xem là năm bản lề để triển khai các nhiệm vụ đã đặt ra tại Nghị quyết 28-NQ/TW. Vì thế, ngành đã tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để phát triển vững chắc hệ thống BHXH, BHYT như đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 28-NQ/TW theo hướng đa dạng, thiết thực, tiếp cận tới từng nhóm đối tượng cụ thể nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của đảng viên, công chức, viên chức và người lao động; đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của các đơn vị trực thuộc để phục vụ người dân, người lao động, đơn vị, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Đồng thời tiếp tục cải cách các quy trình nghiệp vụ theo hướng tối ưu hóa và đặc biệt là thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ người dân, người lao động, đơn vị, doanh nghiệp hướng tới sự hài lòng của người dân”.

Ước đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 10,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Với những cách làm hiệu quả nói trên, Nghị quyết 28-NQ/TW đã từng bước đi vào cuộc sống và tạo nên những chuyển biến tích cực. Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, ước đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 10,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm 0,6% lực lượng lao động trong độ tuổi (khoảng 7.000 người), tăng khoảng 5.000 người so với thời điểm trước khi Nghị quyết 28-NQ/TW ra đời.

Số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đến hết năm 2019 ước đạt 33,4%, tiến sát mục tiêu (36%) Nghị quyết đề ra vào năm 2021. Đồng thời, việc thực hiện giao dịch điện tử với các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh, đến nay đã có 2.860 đơn vị thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, tăng 1.103 đơn vị so với năm 2018, chiếm 67% tổng số đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn; tỷ lệ giao dịch điện tử đối với các hồ sơ phải thực hiện giao dịch điện tử theo quy định đạt 99%.

Nhằm tiếp tục đưa Nghị quyết số 28-NQ/TW vào cuộc sống, thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tăng cường truyền thông về những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 28-NQ/TW; đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, từng địa phương; mở rộng diện bao phủ BHXH, phát triển số lao động tham gia BHXH khu vực phi chính thức, cả trong ngắn hạn và dài hạn; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động; ngăn ngừa hành vi trục lợi, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT…

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.