Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sẽ kiểm soát toàn diện việc giải quyết TTHC cấp tỉnh

17:35, 23/12/2019

Ngày 15-3-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 577/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Trung tâm). Đây là đơn vị hành chính đặc thù trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh; có con dấu để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Trụ sở tại số 09 Nguyễn Tất Thành, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột.

Việc triển khai, xây dựng và đưa Trung tâm vào hoạt động là quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện bước đột phá quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước của tỉnh, trong đó trọng tâm là nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ, tăng tính công khai, minh bạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, thông minh, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Trung tâm là đầu mối tập trung có chức năng thực hiện việc công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính (TTHC); tiếp nhận hồ sơ; đôn đốc, theo dõi việc giải quyết hồ sơ và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền xử lý, giải quyết của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và một số cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

sd
Người dân đến trụ sở Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh để giải quyết thủ tục hành chính (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, việc triển khai việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh đã góp phần khắc phục được tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh và giảm được phiền hà, tiêu cực trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, việc tổ chức giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị đã nảy sinh những bất cập, hạn chế, không đáp ứng đủ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Qua khảo sát, đánh giá cho thấy, hoạt động của Bộ phận Một cửa ở một số cơ quan còn mang tình hình thức; tính liên thông trong giải quyết TTHC thiếu đồng bộ; cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp của công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu...

Vì vậy, việc thành lập và đưa Trung tâm đi vào hoạt động sẽ kiểm soát được một cách toàn diện, bao quát việc giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Việc giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp của các sở, ban, ngành sẽ được Trung tâm theo dõi chặt chẽ. Nếu hồ sơ, thủ tục bị giải quyết quá hạn thì các sở, ban, ngành trực tiếp giải quyết TTHC phải công khai xin lỗi các tổ chức, cá nhân và có văn bản giải trình với UBND tỉnh. Đây được xem là cách làm mới trong việc thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông, hướng tới nền hành chính phục vụ; chuyên môn hóa, tách hoạt động chuyên môn với nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân, thể hiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, nâng cao năng lực, trách nhiệm của công chức chuyên môn về kỹ năng và thái độ phục vụ nhân dân, thay đổi tác phong, thái độ làm việc của cán bộ, công chức; đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong cách thức tiếp nhận dịch vụ công; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC; tăng cường cơ chế giám sát và tự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức, góp phần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.