"Bảo mẫu" của lan rừng
Sở hữu hàng nghìn giỏ lan rừng, ông Nguyễn Chí Toàn (khối 2, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) được ví như “bảo mẫu” của lan rừng khi nuôi dưỡng và nhân giống thành công nhiều loài lan quý hiếm trong tự nhiên đang có nguy cơ tuyệt chủng.
“Thuần dưỡng” lan rừng
Kể về cơ duyên đến với lan rừng, ông Toàn cho biết, vào mùa xuân khi cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái cũng là lúc ông bắt đầu hành trình đưa đàn ong của gia đình vào rừng lấy mật. Từ những chuyến đi dài ăn ngủ trong rừng, không ít lần ông bắt gặp những khóm lan rừng nở hoa, khoe sắc và bị cuốn hút bởi vẻ đẹp tự nhiên, tinh khiết, hương thơm ngào ngạt của loài cây này. Ông Toàn chia sẻ: “Ngày đó tôi chẳng biết gì về lan nhưng thấy đẹp nên cứ lấy về trồng chơi để ngắm như một thú vui. Niềm đam mê với lan rừng bắt đầu từ đó, tôi càng yêu thích và tìm hiểu về nó nhiều hơn”.
Ông Toàn chăm sóc vườn lan của mình. |
Khi ông Toàn mới trồng, do chưa hiểu nhiều về lan rừng lại không có kỹ thuật, cách chăm sóc nên cây chết rất nhiều hoặc còi cọc, ra hoa ít. Không nản lòng, ông tìm đến những người chơi lan rừng lâu năm tại TP. Buôn Ma Thuột để học hỏi kinh nghiệm cũng như tìm hiểu thông tin trên sách báo, internet để biết về đặc tính, cách trồng và chăm sóc từng loại lan. Từ đó ông đúc kết ra được cách “thuần dưỡng” lan rừng rằng, để đưa loài lan ngoài môi trường tự nhiên về nuôi dưỡng thì người trồng phải tạo ra được điều kiện sống tương thích về nhiệt độ, độ ẩm, có như thế lan mới sống và phát triển tốt được. Cùng với đó, mỗi loại lan lại phù hợp với một loại giá thể. Ví như các loài phong lan sẽ sống bằng cách bám rễ vào thân cây cối, thạch lan thường mọc ở bờ bụi, dớn đá, còn địa lan thì chỉ mọc ở dưới đất… nên người chơi lan cần tìm hiểu và nghiên cứu để tạo ra được những giá thể phù hợp từng loại lan. Tất cả các giá thể dùng để trồng lan cần được xử lý kỹ trước khi trồng cây lên.
Để lan có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt, ông Toàn đã thiết kế xây dựng một khu vườn rộng 1.000 m2, trang bị lưới che, giàn treo lan nhiều tầng, tầng trên là những loại phong lan ưa thông thoáng, để đón ánh nắng mặt trời, tầng dưới sẽ là những loại lan ưa ẩm.
Dày công sưu tầm, trao đổi với những người chơi lan, từ năm 2010 đến nay, ông Toàn đã sở hữu một vườn lan rừng quy mô lớn với hơn 2.000 giỏ, thuộc 200 loài lan khác nhau. Trong số đó có một số loài lan rừng quý hiếm, đột biến có giá trị kinh tế như: Hài, Giả hạc, Thủy tiên, Thanh đạm… Với sự phong phú, đa dạng về chủng loại, được ghép theo nhiều kiểu dáng khác nhau nên vườn lan của ông cũng được nhiều người trong giới chơi lan thường xuyên lui tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan rừng.
Các giỏ lan rừng của ông Toàn đã nhiều lần đạt giải cao trong các cuộc thi hoa lan. Năm 2019, giỏ phong lan Hỏa hoàng cam của ông có bố cục đẹp, tạo dáng độc đáo, lạ mắt đã xuất sắc giành giải Nhất và giải Đặc biệt tại cuộc thi hoa lan do tỉnh Quảng Ngãi tổ chức. |
Năm 2016, ông Toàn và những người có chung niềm đam mê lan rừng đã thành lập Câu lạc bộ Hoa lan tỉnh Đắk Lắk với 35 hội viên, tích cực sưu tầm các loại lan rừng bản địa, thường xuyên tham gia các cuộc thi hoa lan trong và ngoài tỉnh.
Nhân giống lan rừng
Trước tình trạng các loại lan có nguồn gốc thiên nhiên đang dần tuyệt chủng, ông Toàn đã tìm ra cách nhân giống để bảo tồn và phát triển các loại lan rừng quý hiếm.
Sau nhiều lần tìm hiểu cách thức nhân giống lan rừng từ các mô hình, đề tài nghiên cứu khoa học, ông quyết định chọn phương pháp gieo hạt bằng cách nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Để thực hiện dự định này, ông Toàn đã cùng người bạn của mình là ông Cấn Đình Chủng, có cùng đam mê và thích sưu tầm lan rừng đầu tư 300 triệu đồng để xây dựng khu phòng thí nghiệm rộng 250 m2, sắm trang thiết bị phục vụ cho việc nuôi cấy. Ưu điểm của phương pháp này là khi đã nhân giống thành công sẽ tạo ra một số lượng cây con gấp nhiều lần so với gây giống trong tự nhiên. Khi lan ra hoa, người trồng sẽ tiến hành thụ phấn để tạo quả. Gần một năm sau, khi quả chín thì tiến hành tách lấy hạt đem đi khử trùng rồi đem trồng trong môi trường dinh dưỡng tự tạo, ở điều kiện vô trùng, với nhiệt độ ổn định từ 20-23 độ C. Sau khi gieo từ 6-8 tháng, cây con được chuyển ra môi trường tự nhiên trên các giá thể được làm từ bã dừa, vỏ thông, than...
Ông Toàn chuyển cây giống ra trồng ngoài môi trường tự nhiên. |
Phải mất gần hai năm thử nghiệm và trải qua bao lần thất bại, ông Toàn mới nắm được kỹ thuật và sản xuất cây giống với số lượng lớn. Đến nay, ông đã nghiên cứu và nhân giống thành công 20 loại lan thuộc dòng Dendro và địa lan như: Nghinh xuân, Hạc đỉnh, Vũ nữ… Cùng với việc gieo hạt, ông Toàn cũng đã thử sức với các cách nhân giống lan từ đỉnh sinh trưởng, thân cây và mắt ngủ.
Hiện ngoài việc nhân giống để mở rộng quy mô vườn lan của mình, ông dự tính ký kết hợp đồng cung ứng giống lan rừng cho một số nhà vườn, giúp người đam mê lan rừng được “sở hữu” những loại hoa lan mà mình yêu thích để trồng, chăm sóc và thưởng ngoạn mà không cần tốn nhiều công sức săn tìm.
Nguyễn Mai
Ý kiến bạn đọc