Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ nếp xưa trên quê hương mới

07:16, 27/01/2020

Rời quê hương Quảng Ninh vào Đắk Lắk lập nghiệp từ những năm 1954, cộng đồng người Dao ở thôn 3, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) vẫn chưa bao giờ phai nhạt nếp sống văn hóa truyền thống của dân tộc mình. 

Giữ nghề thêu truyền thống

Đến thôn 3, xã Cư Suê có thể cảm nhận được sự trân trọng vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao nơi đây. Rõ nét nhất là nghề thêu thùa, may vá hiện vẫn được các bà, các mẹ lưu giữ và truyền dạy cho con cháu.

Năm nay đã bước sang tuổi 68, thế nhưng hằng ngày bà Triệu Thị Minh vẫn tranh thủ lúc nông nhàn để thêu thùa những bộ áo truyền thống cho con cháu và khách đặt mua. Bà Minh cho hay, cắt may, thêu thùa hoa văn trên quần áo vốn là công việc quen thuộc với những người phụ nữ Dao. Để lưu giữ nghề truyền thống, bà Minh đã truyền dạy nghề lại cho người con gái út.

Bà Triệu Thị Minh thêu hoa văn lên trang phục truyền thống.
Bà Triệu Thị Minh thêu hoa văn lên trang phục truyền thống.

Được biết, một bộ trang phục của người Dao Thanh Phán khá cầu kỳ gồm có quần, áo, khăn đội đầu, thắt lưng. Thời gian để thêu một đôi gấu quần cần ít nhất ba tháng thêu liên tục, với đôi vạt áo thì cần khoảng hai tháng. Khi thêu, người phụ nữ phải tập trung toàn bộ trí lực cho công việc, không nói chuyện và không làm thêm được bất cứ việc gì khác để tránh làm hỏng đường thêu vì chỉ cần sai một mũi thêu là phải bỏ đi, thêu lại từ đầu. Tuy nhiên, hiện nay do cuộc sống mưu sinh hằng ngày bận rộn, việc thêu thùa không liên tục nên thường phải mất thời gian từ 5-7 tháng, có khi cả năm mới hoàn thiện một sản phẩm.

Được biết trong thôn hiện có nhiều người già vẫn giữ nghề thêu thùa hoa văn lên trang phục như vậy, không chỉ dùng trong gia đình mà còn để bán, chủ yếu là làm đồ lưu niệm. Có thể nói, sản phẩm được làm ra bằng chính sự cần mẫn, tinh tế, khéo léo của người phụ nữ nên giá trị mỗi bộ trang phục bán ra thường ở mức khoảng 2 - 3 triệu đồng. Ngày nay, mặc dù có rất nhiều lựa chọn về trang phục khác nhau, nhưng mỗi người phụ nữ Dao Thanh Phán vẫn chuẩn bị cho mình ít nhất một bộ trang phục truyền thống để diện trong những dịp đi chơi, ngày Tết, lễ hội. Đặc biệt, phụ nữ Dao khi đi lấy chồng không thể thiếu bộ trang phục truyền thống này. 

Bảo tồn những lễ nghi, văn hóa

Trong đời sống của người Dao Thanh Phán có rất nhiều nghi lễ truyền thống như lễ thờ cúng các vị thần, cấp sắc, cầu mùa... Các nghi lễ này đều được người Dao ở Cư Suê lưu giữ theo năm tháng. Cụ thể như lễ cấp sắc - một nghi lễ quan trọng đối với người đàn ông vì theo tục lệ và tín ngưỡng của họ, phải qua lễ cấp sắc người đàn ông Dao mới được là con cháu Bàn Vương, khi chết mới được đoàn tụ với tổ tiên. 

Già làng Triệu Tiến Quang (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với người dân.
Già làng Triệu Tiến Quang (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với người dân.

Theo ông Triệu Tiến Quang (già làng thôn 3), lễ cấp sắc 3 đèn được tổ chức khi người con trai được khoảng 15 tuổi, có ý nghĩa như việc khai sinh với tổ tiên về một thành viên của dòng họ. Sau lễ cấp sắc 3 đèn, chàng trai nhận được những lời răn dạy của ông bà, cha mẹ về đạo lý làm người, cách ứng xử trong cuộc sống. Để được cấp sắc 7 đèn thì những người trong dòng họ phải thực hiện theo thứ tự anh trước và các em sau. Đây là bước chuyển biến lớn, đánh giá một người đàn ông đã trưởng thành thực sự, họ có nhiệm vụ truyền đạt lại những điều hay lẽ phải cho con cháu, cộng đồng. Sau lễ này, người đó được thực hiện các nghi lễ trong việc thờ cúng tổ tiên và các hoạt động nghi lễ khác như cưới xin, ma chay. Đối với người Dao, còn có những bậc cấp sắc lên 9 đèn hoặc 12 đèn.

 
“Với những nghi lễ, truyền thống văn hóa được lưu giữ khá nguyên vẹn, cộng đồng người Dao ở xã Cư Suê đã tạo nên nét đặc sắc và riêng biệt của dân tộc mình mà không hề bị hòa lẫn với các dân tộc khác trên quê hương mới”.
 
Ông Triệu Tài Sang, Trưởng thôn 3 chia sẻ

Ngoài ra, cộng đồng người Dao nơi đây vẫn lưu giữ phong tục một năm đón 3 cái Tết, gồm Tết Thanh minh, rằm tháng Bảy và Năm cùng. Trong đó, ngoài Tết Năm cùng được tổ chức linh đình thì Tết Rằm tháng bảy cũng không kém. Từ ngày mồng Một đến hết ngày 14 tháng 7 âm lịch, các gia đình người Dao cùng nhau sửa soạn mâm lễ cúng tưởng nhớ đến tổ tiên, các vị thần linh đã che chở cho con cháu trong suốt năm qua. Cỗ rằm tháng Bảy được tổ chức theo từng gia đình, nếu gia đình nào không tự làm lễ cúng được thì sẽ mời thầy cúng về để làm. Tùy điều kiện kinh tế, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị từ 5 - 7 mâm cỗ để mời anh em, bạn bè, hàng xóm đến cùng ăn Tết.

Hiện nay, người Dao ở Cư Suê vẫn còn lưu giữ những nhà tổ; nghề bốc thuốc; tập tục anh em họ hàng và hàng xóm thường mang ngan, gà đến góp hay cho nhau mượn mỗi khi gia đình có việc tang, cưới hỏi... Trong sản xuất nông nghiệp, họ vẫn có tập quán canh tác ở khu vực gần sông suối. Đặc biệt, nhiều hộ đã nhanh nhạy, nắm bắt kỹ thuật canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên làm giàu. Được biết, thôn 3 có đến 95% hộ dân là người Dao (trên 150 hộ); trong đó có trên 60% hộ khá, giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tam Giang


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.