Multimedia Đọc Báo in

Thành phố rợp bóng cây xanh

08:57, 30/01/2020

Khi đặt chân đến TP. Buôn Ma Thuột, điều khiến nhiều du khách ngỡ ngàng nhất là được đi trên những con đường rợp bóng cây xanh, dừng chân hít thở không khí trong lành mà hiếm thành phố nào có được.

TP. Buôn Ma Thuột được thiên nhiên ban tặng nguồn đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm, ít mưa bão nên cây cối phát triển rất nhanh, xanh tốt. Có suối Ea Tam len lỏi chảy trong lòng thành phố, bắt nguồn từ buôn Kô Tam (xã Ea Tu) qua cầu Ea Tam rồi chảy ra sông Sêrêpốk không chỉ cung cấp và tiêu thoát nước mà còn giúp đa dạng hệ sinh thái, nhất là cây cối vùng ven suối tạo thành một “vệt” xanh đặc biệt, giúp tăng cảnh quan đô thị. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ đất xanh đô thị tại TP. Buôn Ma Thuột đạt 19,02m2/người, giữ vững vị trí top 10 thành phố xanh - sạch - đẹp nhất cả nước.

Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường Đắk Lắk đang quản lý, chăm sóc gần 20.500 cây xanh trên 219 tuyến đường của TP. Buôn Ma Thuột, trong đó có 1.178 cây loại III. Công ty thường xuyên kiểm tra, tiến hành trồng thêm, trồng dặm nhiều loại cây xanh tại khu vực trống, thay thế dần các loại cây thường bị sâu bệnh, không phù hợp với điều kiện khí hậu. Đặc biệt, ở những tuyến  đường mới thi công, chỉ cần hoàn thành xong thì ngay lập tức được phủ cây xanh. 

Đường Đam San rợp bóng cây xanh.
Đường Đam San rợp bóng cây xanh.

Để phù hợp với điều kiện tự nhiên, TP. Buôn Ma Thuột có 89 loại cây xanh được chọn để trồng, phần lớn là cây sao đen, lộc vừng, sấu, bàng Đài Loan, viết… Cây sao đen là loại cây được trồng nhiều nhất vì lớn nhanh, bóng mát dày, ít bị sâu bệnh. Hiện có nhiều cây sao được trồng từ những năm trước ngày giải phóng nay đã tỏa bóng sum sê ở các tuyến đường Đam San, Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn… Rất nhiều tuyến phố ở Buôn Ma Thuột cây xanh phủ kín hai bên đường như một con ngõ sâu hun hút, làm cho người đi qua bớt đi sự vội vã, và là điểm dừng chân, đi dạo bộ tận hưởng không khí trong lành cho người dân.

“Trước đây, tình trạng chặt trộm gỗ sưa, sao đen cổ thụ thường xảy ra nên việc chăm sóc, bảo vệ cây rất khó khăn. Nhưng những năm gần đây, bên cạnh xử phạt Công ty còn phối hợp tuyên truyền cho người dân và luôn giữ gìn vệ sinh sạch đẹp nên tình trạng chặt trộm, phá hại cây xanh đã giảm hẳn, góp phần bảo vệ cảnh quan đô thị” - anh Đặng Ngọc Huê, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường Đắk Lắk cho hay. Ngoài trồng cây theo quy hoạch của thành phố, những năm qua người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột  còn tự trồng hơn 3.000 cây xanh tại một số tuyến đường, 6.000 cây tại các khu vực công cộng.

Không chỉ du khách mà người dân sinh sống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nhiều lần tìm kiếm, háo hức muốn tận mắt thấy cây Kơ nia - loài cây bản địa thường được nhắc đến trong sách, báo, tài liệu, bài hát về Tây Nguyên. Hiện nay, Buôn Ma Thuột chỉ có chừng 10 cây Kơ nia, được lấy từ Lâm viên Ea Kao về trồng ở một số vị trí dọc tuyến đường Hà Huy Tập, Lý Nam Đế... Tuy ít nhưng đã góp phần lưu giữ một loài cây quý, giúp cho mọi người thỏa chí tò mò về “Bóng cây Kơ nia”.

Cảnh quan trong khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk.
Cảnh quan trong khuôn viên Bảo tàng Đắk Lắk.

Khí hậu, thổ nhưỡng TP. Buôn Ma Thuột thuận lợi để cây cối phát triển, nhưng không quy hoạch trồng đặc trưng một loại cây mà có sự đa dạng nhiều loại cây trên các tuyến phố. Thế nên, vào mỗi mùa những con đường tại phố núi này đều có những “điểm nhấn” thú vị riêng. 

Mùa nào cũng đẹp! Mùa khô có màu tím của hoa bằng lăng, đỏ quạch của lộc vừng, viết, bàng, phượng nở dọc các tuyến đường Phan Bội Châu, Lê Thánh Tông, Nguyễn Lương Bằng, Trần Quang Khải… Mùa mưa có màu vàng rực hoa muồng hoàng yến, chò nâu bung xòe trên các tuyến đường Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành, Mai Hắc Đế… Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường Đắk Lắk đang trồng thử nghiệm một số loại cây đặc trưng ở các tuyến đường ngắn, mới hoàn thành ở khu Metro. Trong quá trình thực hiện Công ty sẽ tìm ra một số loài cây có đặc điểm sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, có hoa đẹp, phù hợp với không gian đô thị để trồng đại trà, như cây hoàng yến tại đường Kpă Nguyên, me tây, chuông vàng, osaka… nhằm đa dạng các loại cây, tô điểm thêm sắc màu rực rỡ cho thành phố.

Buôn Ma Thuột là thành phố cao nguyên xanh đẹp và ngày càng hiện đại, để lại dấu ấn sâu đậm cho người khách phương xa, niềm tự hào của người dân ở đây.

“Mục tiêu đến năm 2030, Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc, là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; là đô thị hạt nhân của chuỗi đô thị, cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên và tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia,…” - Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 60-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.