Thương nhớ cội nguồn
Đắk Lắk hiện có khoảng 5.000 kiều bào đang sinh sống, làm việc ở 29 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Những người con đất Việt xa quê dù đi đâu, làm gì vẫn đau đáu trong tim nỗi nhớ về cội nguồn…
Nỗi lòng người xa xứ
Chắc hẳn hơn ai hết, những người con đất Việt ly hương, mưu sinh ở xứ người cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của ca từ bài hát “Quê hương” do nhạc sĩ Giáp Văn Thạch sáng tác, phổ thơ của Đỗ Trung Quân. Đất nước Việt Nam yên bình, hiền hòa qua hình ảnh chiếc cầu tre nhỏ, chiếc nón lá, hoa cau rụng sau hè như thôi thúc bước chân của những người con xa xứ trở về với quê Mẹ thân thương, nhất là trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc để cùng đoàn tụ, sum vầy bên gia đình, bạn bè, đón một mùa Xuân tươi vui, ấm áp tình người.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Y Déc Hđơk tâm sự với kiều bào về quê nhân dịp đón Tết Kỷ Hợi. |
Ông Nguyễn Hữu Kiểm (SN 1940, Việt kiều Na Uy) không khỏi bồi hồi xúc động bởi sau hơn 30 năm làm ăn, sinh sống nơi đất khách quê người, ông mới có dịp quay trở lại đón Tết trên quê hương. Năm 1986, ông Kiểm được 3 người con trai đang làm ăn, sinh sống bằng nghề chế tác trang sức ở Na Uy bảo lãnh sang đoàn tụ. Ông Kiểm hồi tưởng: “Những ngày đầu xa xứ, chưa thích nghi bởi những bất đồng về ngôn ngữ, sự khác biệt quá lớn về phong tục, tập quán khiến tôi quay quắt nhớ nhà, nhất là mỗi độ xuân về. Để vơi bớt nỗi nhớ quê hương, cộng đồng người Việt sinh sống ở đây cũng quây quần, tổ chức gói bánh chưng, đón giao thừa, nhắc nhớ về cội nguồn”.
Bắt đầu từ năm 2017, Đắk Lắk tổ chức gặp mặt thân mật các kiều bào về quê đón Tết. Cảm nhận được tình cảm chân thành, sự đón tiếp trọng thị của lãnh đạo tỉnh, hằng năm số kiều bào về quê đón Tết tham dự buổi gặp mặt đông hơn, sự đóng góp, đầu tư về quê hương cũng gia tăng, từ số lượng kiều hối gởi về trên 6,5 tỷ đồng năm 2017 đã tăng lên hơn 100 tỷ đồng sau hai năm. |
Với vợ chồng ông Lê Văn Nguyện (SN 1937) và bà Lê Thị Gái (SN 1942) thì đã có 18 năm định cư ở Canada, song năm nào ông bà cũng về quê đón Tết cổ truyền của dân tộc. “Cuộc sống nơi xứ lạ quê người dẫu đầy đủ về vật chất, song làm sao bù đắp được những những thiếu thốn, trống vắng về tinh thần. Có đi xa mới biết không ở đâu mà mọi người lại sống có tình, có nghĩa như đất nước mình”, bà Lê Thị Gái khẳng định.
Với tình cảm thiết tha đối với quê hương thân yêu, mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”, các thế hệ lớn tuổi, những cụ cao niên cũng nhắc nhớ cho thế hệ con cháu biết về cội nguồn bằng cách tạo điều kiện, đưa về Việt Nam đón Tết để cảm nhận, trải nghiệm thực tế hương vị tết ở mảnh đất tổ tiên. “Quê hương mình thật là đẹp, yên bình, hiền hòa, mọi người rất gần gũi, nồng hậu, thân thiện”, em Ch-Jie Niê, Việt kiều Canada lần đầu theo gia đình về đón Tết cảm nhận.
Góp sức xây dựng quê hương
Trở về với cội nguồn quê hương, những kiều bào đều chung cảm nhận đất nước như người mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay thân yêu, ấm áp chào đón những người con ở xa trở về. Tình cảm chân tình ấy đã níu kéo trái tim tất cả kiều bào để mọi người hướng về cội nguồn, ý thức, trách nhiệm cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu mạnh. Họ càng có thêm động lực, quyết tâm để dồn trí tuệ, nguồn lực đầu tư về đất nước khi chứng kiến sự đón tiếp trọng thị của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong các buổi gặp mặt kiều bào về đón tết. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh khẳng định: “Mỗi kiều bào chính là những “đại sứ” du lịch quan trọng góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của đất nước Việt Nam nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng với bạn bè quốc tế để kêu gọi, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển đất nước, địa phương. Về phía tỉnh Đắk Lắk sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi tối đa, đơn giản hóa mọi thủ tục hành chính nếu các doanh nhân, kiều bào có ý định đầu tư ở tỉnh”.
Kiều bào tại buổi gặp mặt với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk hằng năm. |
Lời cam kết, mời gọi của lãnh đạo tỉnh đã gây dựng lòng tin mạnh mẽ của các doanh nhân kiều bào. Ông Đỗ Thành Tài (huyện Krông Pắc), một doanh nhân thành đạt ở Mỹ sau khi tìm hiểu đã từ bỏ ý định mở chuỗi nhà hàng ở Mỹ để đầu tư vào lĩnh vực giao thông ở quê nhà. Ông gom góp tất cả tài sản, mở công ty vận tải, mua 8 chiếc “chuyên cơ mặt đất” trị giá hàng chục tỷ đồng chạy nhiều tuyến trong nước. Còn với những kiều bào có nguồn lực khiêm tốn, họ cũng đã “rót” về cho gia đình, người thân hàng trăm ngàn USD, giúp gia đình phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống. Tình cảm, ý thức trách nhiệm của những bà con kiều bào đối với quê hương, cội nguồn dân tộc còn được hiển hiện qua những hoạt động nghĩa tình, kêu gọi đóng góp, giúp chính quyền địa phương triển khai tốt công tác an sinh xã hội khi trung bình mỗi năm góp hơn 1 tỷ đồng, tặng nhiều phần quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh…
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc