BHXH tỉnh Đắk Lắk: Triển khai các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức nhằm tạo cơ hội cho mọi lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH với mục tiêu ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động. Người tham gia được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; người tham gia BHXH tự nguyện hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng, do bản thân lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Về phương thức đóng, người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn đóng hằng tháng, 3 tháng đóng một lần, 6 tháng đóng một lần, 12 tháng đóng một lần, hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần. Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Cụ thể, bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% với người thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm.
Cán bộ BHXH huyện M'Đrắk tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: K.Oanh |
Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 6.979 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 3.347 người so với năm 2018. Tính đến ngày 31-1-2020, số người tham gia BHXH tự nguyện là 7.042 người. |
Thực tế cho thấy, số đối tượng được hưởng các chế độ BHXH tự nguyện luôn tăng qua các năm, quan trọng hơn là chính sách BHXH tự nguyện dần đi vào cuộc sống, người dân ngày càng nắm vững hơn về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia. Tuy nhiên, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn bởi Đắk Lắk là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, thành phần dân cư khá đa dạng, trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp nên chưa ý thức tự giác tham gia BHXH tự nguyện; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh còn ở mức tương đối cao, thu nhập của người lao động ở nông thôn thấp, không ổn định.
Để thu hút nhiều người dân và lao động tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đề ra, ngành BHXH tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp như: Đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW nói chung và đặc biệt là về mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương; đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, tăng cường các hình thức truyền thông trực tiếp phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình phối hợp tuyên truyền với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh, tăng cường lượng tin, bài, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự chuyên đề hướng tới mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của nhân viên đại lý thu BHXH, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông và kịp thời trang bị, cập nhật kiến thức BHXH cho họ.
BHXH tỉnh cũng chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, bảo đảm lộ trình hợp lý và có giải pháp cụ thể đối với các nhóm đối tượng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng, coi đây là cơ sở quan trọng để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc