Multimedia Đọc Báo in

Hướng về phụ nữ biên cương

10:47, 28/02/2020

Đồng hành cùng cán bộ, hội viên, phụ nữ, người dân vùng biên, Hội LHPN tỉnh đã và đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, có sức lan tỏa, góp phần đáng kể trong việc làm thay đổi đời sống của chị em nơi đây.

Cuối năm 2019, cụm thi đua Hội LHPN các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đã tổ chức bàn giao nhà Mái ấm biên cương cho gia đình chị H'Niêm Ênuôl (buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Căn nhà được cán bộ, hội viên phụ nữ vận động quyên góp xây tặng cho gia đình chị tuy có diện tích không lớn nhưng rất chắc chắn, với tổng kinh phí xây dựng 75 triệu đồng. Sau hơn ba tháng khởi công xây dựng, ngôi nhà mới được bàn giao trong niềm vui sướng, phấn khởi của các thành viên trong gia đình và bà con dòng họ.

Chị H’Niêm chia sẻ: “Cả hai vợ chồng đều không có việc làm ổn định, phải đi làm thuê để chạy ăn từng bữa nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Lâu nay cả gia đình tôi phải tá túc tạm bợ trong căn nhà dột nát, mùa mưa bão cứ nơm nớp lo không biết khi nào đổ sụp. Có căn nhà mới ấm cúng, con cái có chỗ học hành đàng hoàng, vợ chồng tôi sẽ cố gắng lao động sản xuất để vươn lên”.

Đại diện Hội LHPN tỉnh trao vốn khởi nghiệp cho phụ nữ khó khăn vùng biên giới.
Đại diện Hội LHPN tỉnh trao vốn khởi nghiệp cho phụ nữ khó khăn vùng biên giới.

Mô hình sinh kế “Chăn nuôi bò sinh sản” với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” được Hội LHPN các xã vùng biên triển khai đang phát huy hiệu quả. Ngoài việc huy động hỗ trợ bò giống cho phụ nữ khó khăn từ các tổ chức, cá nhân, Hội còn phối hợp với cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật để các hộ có thêm kiến thức chăn nuôi bò sinh sản hiệu quả. Là một trong số những hội viên phụ nữ nghèo được hỗ trợ bò sinh sản từ chương trình, chị Bùi Thị Xuyến (thôn 12, xã Ia R’vê) chia sẻ: “Ngày được hỗ trợ bò sinh sản, cả nhà vui mừng phấn khởi lắm. Đối với gia đình tôi, đây là tài sản lớn. Hy vọng bò sẽ sinh trưởng tốt, giúp gia đình dần cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”.

Chung tay hướng về phụ nữ biên cương, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cho hội viên phụ nữ các xã biên giới về hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh; những âm mưu, phương thức và thủ đoạn của các đối tượng buôn bán phụ nữ và trẻ em; công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và bạo lực học đường; trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng vệ cho trẻ em, người thân để bảo vệ sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tinh thần cho trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, Hội Phụ nữ Công an tỉnh còn trao vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho các chị em, tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi và các phần quà ý nghĩa khác cho các hội viên phụ nữ khó khăn ở các xã biên giới.

Đại diện Hội Phụ nữ Công an tỉnh tặng quà cho phụ nữ khó khănở xã Ia R'vê, huyện Ea Súp.
Đại diện Hội Phụ nữ Công an tỉnh tặng quà cho phụ nữ khó khănở xã Ia R'vê, huyện Ea Súp.

 

 

“Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm, huy động sự chung tay, tiếp sức của cả cộng đồng cho các xã biên giới, mà còn khơi dậy ý chí vươn lên, phát huy nội lực của hội viên phụ nữ tại cơ sở trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Qua đó, giúp phụ nữ và trẻ em có được những cơ hội tiếp cận, thụ hưởng về các điều kiện vật chất và tinh thần cao hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”.


 
 Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Phong

Bắt đầu triển khai từ năm 2018 đến nay, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp tổ chức đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, giúp hội viên phụ nữ nghèo vùng biên giới có điều kiện phát triển kinh tế, chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Bà Trần Thị Phong, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: "Để triển khai hiệu quả Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội đã xây dựng kế hoạch cụ thể với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, xác định rõ những cách thức và mô hình phù hợp với từng xã biên giới. Trước mỗi thời điểm triển khai một mô hình phát triển kinh tế, chúng tôi đều tiến hành tập huấn cho chị em hội viên để nắm vững kiến thức, những biện pháp, cách thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình để đem lại hiệu quả cao nhất; cắt cử cán bộ, hội viên Hội LHPN xã phối hợp với các đồn biên phòng đứng chân trên từng địa bàn thường xuyên thăm nom, giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn”.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội triển khai vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng thực hiện 17.097 tin nhắn với tổng số tiền hơn 340 triệu đồng để ủng hộ chương trình; thực hiện kế hoạch hỗ trợ phụ nữ vùng biên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; trao vốn khởi nghiệp, tổ chức các lớp dạy nghề cho chị em. Từ sự nỗ lực của các cấp hội và sự hưởng ứng tích cực của cả cộng đồng, năm 2019 Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã giúp 165 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ ở vùng biên vươn lên thoát nghèo.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.