Huyện Buôn Đôn thực hiện tốt chính sách đối với người có công
Với mục tiêu chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn người dân nơi cư trú, những năm qua huyện Buôn Đôn đã triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để người có công và gia đình cải thiện cuộc sống, tiếp tục khẳng định và phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, dòng họ.
Ông Lục Văn Kín (SN 1954, ở thôn 11, xã Ea Bar) là thương binh nặng (với tỷ lệ thương tật 82%) vẫn thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện vào sinh ra tử của mình và đồng đội thời kháng chiến. Ông Kín cũng không quên nói về sự chăm sóc tận tâm của chính quyền địa phương, của những cán bộ làm công tác thương binh xã hội tỉnh Đắk Lắk từ khi ông cùng gia đình rời quê hương Cao Bằng vào định cư năm 1980.
Đại diện lãnh đạo huyện Buôn Đôn thăm, tặng quà lão thành cách mạng Nông Thị Hạnh ở xã Tân Hòa. |
Năm 1998, gia đình ông Kín được chính quyền cấp đất và hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng căn nhà Tình nghĩa rộng hơn 30 m2, hằng năm lại được cho đi điều dưỡng ở tỉnh Khánh Hòa hay Quảng Nam, hoặc có thể hưởng trợ cấp điều dưỡng tại nhà, rồi nhiều chế độ, chính sách ưu đãi khác dành cho người có công… “Được Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, thăm hỏi thường xuyên vào những dịp lễ, Tết, những người lính tham gia chiến đấu vì độc lập của dân tộc như chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng. Lần nào đến, đại diện chính quyền địa phương, cán bộ chính sách cũng đều ân cần hỏi thăm sức khỏe, tình hình kinh tế gia đình, chuyện học hành của con cháu...", ông Kín vui vẻ tâm sự.
Ông Bùi Văn Hoài, cán bộ LĐ-TBXH xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn)
|
Tương tự, trong ngôi nhà Tình nghĩa khang trang vừa mới xây dựng xong vào cuối năm 2019 trị giá gần 300 triệu đồng, trong đó Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện hỗ trợ 60 triệu đồng, niềm vui vẫn hiện hữu trên gương mặt ông Y Phu Ayun (ở buôn Tul B, xã Ea Wer). Ông Y Phu trò chuyện: “Thời trẻ, trong một lần đi tuần tra chống phản động Fulro, tôi bị bắn vào chân. Từ đó, mảnh đạn vẫn còn nằm trong chân, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại đau nhức khiến cho việc lao động nặng bị hạn chế, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Hơn một năm trước, cả gia đình 12 người phải chen chúc nhau trong căn nhà sàn đã xuống cấp. Đầu năm 2019, được Phòng LĐ-TBXH huyện thông báo gia đình được hỗ trợ kinh phí xây nhà Tình nghĩa, cả nhà vui mừng khôn xiết. Với khoản tiền dành dụm được, cùng sự giúp sức của họ hàng, từ nay gia đình tôi không phải lo lắng chuyện nhà cửa nữa”.
Huyện Buôn Đôn có 808 đối tượng có công với cách mạng, trong đó có 327 người hưởng trợ cấp hằng tháng, 30 người thuộc diện hộ nghèo. Năm 2019, huyện đã vận động được 420 triệu đồng đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, từ nguồn này, đã hỗ trợ xây mới 6 căn nhà Tình nghĩa và sửa chữa 5 căn nhà cho các đối tượng chính sách, người có công. Đồng thời tiếp nhận, thẩm định và đề nghị Sở LĐ-TBXH giải quyết 121 hồ sơ người có công với cách mạng…
Ông Y Phu Ayun (giữa) ở buôn Tul B (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) trong ngôi nhà Tình nghĩa mới được hoàn thành cuối năm 2019. |
Công tác chăm lo đời sống gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng luôn được huyện Buôn Đôn coi trọng từ huyện đến cơ sở. Ông Y Sê Êban - Trưởng Phòng LĐ-TBXH huyện Buôn Đôn cho biết, để chăm lo tốt hơn cho người có công với cách mạng, đơn vị sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực người có công; tiếp tục vận động xã hội hóa, rà soát những đối tượng người có công thuộc hộ nghèo để kịp thời hỗ trợ, kết nối… tạo nguồn phát triển kinh tế gia đình. Song song đó, tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên công tác xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công trên địa bàn.
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc